(TSVN) – 6 giờ sáng ngày 24/7 ngư dân xã đảo Nhơn Châu ( TP Quy Nhơn) phát hiện một con cá heo dài khoảng 1,7 m, nặng gần 100 kg, bị chết và dạt vào bờ tại thôn Đông xã đảo Nhơn Châu. Người dân xã Nhơn Châu đã tiến hành di dời xác cá heo về lăng ông Nam Hải tại xã để thực hiện các thủ tục mai táng theo phong tục, tập quán của người dân địa phương.
Theo ông Vũ Long, chuyên gia Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES) cho biết đây là loài cá heo Frase (tên khoa học là Lagenodelphis hosei), khá hiếm gặp ở Việt Nam. Qua hình ảnh, da cá rất đen có thể đã chết từ 3 – 4 ngày. Vì bình thường loài này có màu sắc rất đẹp.
Được biết, trước đó ngày 20/7 cá nhà táng nhỏ (Kogia breviceps) là một trong ba loài họ Kogiidae thuộc liên họ cá nhà táng (Physeteroidea) dài khoảng 3 m, nặng gần 200 kg, bị chết dạt vào bờ biển xã Nhơn Lý.
Cá heo Frase ( tên khoa học là Lagenodelphis hosei) bị dạt vào xã đảo Nhơn Châu là loài khá hiếm gặp ở Việt Nam. Ảnh. ĐP
Cũng theo ông Long các vết thương trên người cá là xuất hiện sau khi chết chứ không phải bị va chạm tàu hay bị tấn công. Có nhiều nguyên nhân khiến cá heo, cá voi… bị chết như nuốt phải nhựa, bị nhiễm bệnh, bị thương, bị tấn công…nhưng phải mổ khám nghiệm tử thi mới biết được chính xác.
Về trường hợp con cá heo bơi gần bờ tại khu vực biển Kỳ Co xã Nhơn Lý ( TP Quy Nhơn) trưa ngày 22/7, ông Long cho biết qua quan sát trong video vây cá khá cao, lúc nhô lên đầu tròn u nên nhiều khả năng là cá voi đầu dưa melon-headed whale (tên khoa học là Peponocephala electra) thuộc họ cá heo đại dương Delphinidae, loài này cũng khá hiếm. Có nhiều nguyên nhân khiến cá bơi vào quá gần bờ như bị lạc bầy (vì cá heo thường đi theo đàn), bị dòng chảy mạnh, bị nhiễm bệnh, nhiễm ký sinh trùng, nuốt phải rác… Tuy nhiên khu vực biển Bình Định mấy ngày gần đây bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới nên khả năng cao là bị lạc bầy.
Bà con ngư dân xã Nhơn Châu mang cá heo đến lăng ông Nam Hải để tẩm liệm và chôn cất theo phong tục. Ảnh. ĐP
Vừa qua Bộ NN&PTNT đã có Quyết định 1287/QĐ-BNN-KN ngày 9/5/2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động quản lý và bảo tồn thú biển Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028 với mục đích quản lý, bảo tồn, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thú biển nhằm duy trì đa dạng sinh học tại vùng biển Việt Nam, giảm thiểu đánh bắt không chủ ý thú biển trong khai thác thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu và trách nhiệm quốc gia thành viên quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải thành viên nhưng có hợp tác.
Vì vậy, khi các loài thú biển như cá voi, cá heo, cá nhà táng… xuất hiện tại Bình Định, bà con đã rất vui mừng hưởng ứng, mà không đánh bắt hoặc gây hại đến các loài này chứng tỏ đã nhận thức và hiểu biết hơn. Nếu cá bị thương, bị chết dạt vào bờ bà con chôn cất thờ cúng theo phong tục. Đó thực sự là điều đáng quý.
Ái Trinh