(TSVN) – Hendrik Kramer, một ngư dân trẻ tuổi theo đuổi nghề đánh bắt cá bền vững tại Hà Lan, đã thiết kế con tàu đánh bắt chạy điện MDV2, với mục tiêu giảm thiểu số dấu chân carbon tới 80%. Anh đã có buổi chia sẻ thú vị tại diễn đàn Nền tảng Phúc lợi về Cá diễn ra tại Bergen, Na Uy.
Gia đình tôi có truyền thống nghề cá từ lâu đời, cho tới tôi đã là đời thứ 6. Năm 2014, cha tôi đưa ra quyết định bán đi con tàu đánh cá của gia đình và nói rằng chúng tôi sẽ phải tìm công việc khác để làm. Tuy vậy, với nhiệt huyết tuổi trẻ, tôi mong muốn có thể lưu giữ truyền thống gia đình, đồng thời hiện thực hóa được ước mong xây dựng nghề đánh bắt cá thực sự bền vững. Đó là lý do tôi đã có mặt tại Diễn đàn Nền tảng Phúc lợi về Cá. Tôi cảm thấy có rất nhiều cảm hứng khi tới đây, được gặp những người có ý tưởng, có kiến thức về cách thức đánh bắt, vận chuyển, làm ngất cá để sao cho cá không chỉ đẹp hơn, ngon hơn, mà còn mang tính chất nhân đạo.
Ngành thủy sản của chúng ta vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, cách thức nào để kết hợp được giữa ý thức của người dân về phúc lợi động vật và vẫn đảm bảo được thu nhập cho người làm cá là điều tôi mong muốn được giải đáp.
Một mô hình kinh tế có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn cho người dân, đem tới chất lượng cá tốt hơn, một sự sáng tạo nào đó giúp cho người ngư dân có thêm lợi ích. Bạn biết rằng việc đầu tư một thuyền đánh bắt tiêu tốn hàng triệu USD cùng hệ thống máy móc phức tạp, nhưng lợi suất đem lại cho người đánh bắt cho tới nay còn tương đối thấp.
Đầu tiên, tôi đã nói không với mong muốn theo đuổi cách làm bền vững này. Tuy nhiên, khi nói chuyện với ngân hàng cấp vốn, họ đã cho chúng tôi thêm một năm để thử sức và triển khai dự án Wild ‘n Zilt. Trong năm đó, chúng tôi đã gọi thêm vốn từ cộng đồng, tôi đã thể hiện được tới ngân hàng tham vọng của mình. Nhận được hậu thuẫn lớn từ người ủng hộ, tất cả khó khăn chúng tôi đối mặt trong ngành đã được nhìn nhận ở góc độ khác. Chúng tôi xây dựng cộng đồng chuỗi cung ứng của riêng mình, hàng tháng đều tới trực tiếp các nhà cung cấp để cung cấp sản phẩm, xây dựng ứng dụng cho chuỗi cung ứng. Cho tới nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi cảm thấy rất hứng khởi với mô hình nghề cá bền vững, hướng tới sự thay đổi nhận thức của cộng đồng ngư dân.
Sự cạnh tranh giữa các ngư dân hiện nay còn theo hướng số lượng, tôi rất mong muốn có sự thay đổi trong hệ thống cạnh tranh này, trở thành việc các chủ thuyền sẽ cạnh tranh trên quan điểm bền vững, làm sao để chất lượng cá tốt hơn, ngon hơn, không còn chạy theo khối lượng nữa. Dù vậy, tôi nghĩ tôi cũng đang thực hiện điều này rồi, nên có lẽ cũng không cần tới cây gậy phép thuật! Đánh bắt bền vững là câu chuyện của tất cả chúng ta.
Nam Anh (Lược ghi)