Câu kiều bắt cá đuối là một trong những nghề khai thác thủy hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm gần đây ở vùng bãi ngang tỉnh Quảng trị.
Sáng tạo của ngư dân
Câu kiều là một loại câu khá đặc biệt, không cần dùng mồi, lưỡi câu hình chữ U rộng chừng 5 cm, sắc nhọn, được xếp thành hàng ngang trên các nẹp tre, mỗi lưỡi câu bố trí trên dây (được làm bằng dây dù) cách đều nhau chừng 20 cm, trên dây được gắn phao xốp, mỗi nẹp câu kiều khi giăng dài khoảng 50 m… Theo anh Hồ Văn Hải (thôn Diêm Hà Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Linh), từng có hơn 20 năm đánh bắt cá đuối, thì nghề câu kiều (còn gọi là câu vương) không phải ai cũng làm được. Làm nghề câu kiều phải có sức khỏe, kinh nghiệm và đặc biệt phải có tính kiên nhẫn, chịu khó. Đó là bởi nghề câu kiều hết sức vất vả, ngay từ khâu chuẩn bị để ra khơi.
Ngư dân tóm câu vào nẹp để chuẩn bị cho chuyến ra khơi
Trước khi ra khơi thả câu, cần phải mài rũa cho lưỡi câu thật bén, gỡ câu cho vào nẹp tre gọn gàng để khi thả câu không bị vướng mắc. Việc thả câu kiều bắt cá đuối chỉ hiệu quả vào những ngày tối trời không trăng, thời gian từ tháng 3 đến tháng 8, đặc biệt vào mùa hè, gió nhẹ, biển êm. Thông thường đi thả câu ít nhất phải có 2 người. Địa điểm thả câu tùy vị trí, địa hình. Nếu là vùng cát, bờ thoải thì thả câu gần hoặc xa đều được, nhưng với địa hình nhiều đá thì phải thả câu xa bờ để tránh câu vướng vào đá, san hô. Việc thả câu cũng rất mất thời gian, để thả xong 1 nẹp câu mất ít nhất 20 phút, xong mỗi vàng câu mất 4 – 5 giờ. Sau khi thả câu xong thì neo thuyền ngay trên biển để canh câu chờ tới gần sáng thì thu câu mang về. Những ngày biển lặng thì thả câu khá dễ dàng. Những ngày gió to thì thả câu rất khó khăn, bởi sóng biển khiến thuyền chao đảo.
Cách bố trí và thả câu kiều là sự sáng tạo và nhiều kinh nghiệm đúc kết của người dân nơi đây. Khi thả dây câu xuống biển phải tính toán sao cho dây câu lơ lửng trong làn nước biển. Cá đuối có tập tính tìm mồi thường bò sát các cồn cát, khi vô tình vướng phải sẽ bị mắc vào dây câu. Do cấu tạo có nhiều lưỡi câu được mắc gần nhau nên khi vùng vẫy cá đuối càng bị nhiều dây câu khác mắc vào…
Lợi nhuận khá
Anh Hải cho biết, câu kiều ít khi lỗ, vì nghề này ít người làm, ngư trường đánh bắt rộng, giá cá lại cao nên dễ cho thu nhập cao. Đặc biệt, những hôm trúng luồng cá có thể thu hoạch được cả tạ. Những ai đã quen nghề thì không thể bỏ, vì không có nghề nào kiếm tiền nhanh và nhiều như câu kiều. Dùng câu kiều có thể bắt được nhiều loại cá đuối (kim, dơi, đỏ, nhám…) với trọng lượng rất khác nhau, có con hơn 100 kg. Để đánh bắt cá đuối đạt hiệu quả cao, cần phải qua những công đoạn rất tỉ mỉ và đòi hỏi tính nhẫn nại.
Cá đuối được bà con ngư dân đánh bắt
“Mấy năm qua ngư trường khai thác ngày càng khó khăn, cá mú chạy đi mô hết. Nên tui suy nghĩ phải làm lại nghề câu kiều. Lúc đầu cũng ngại. Nhưng không ngờ hiệu quả cao. Có tiền rồi lại tu sửa thuyền máy và vàng câu, nên cũng ổn, không phải lo lắng nhiều khi gặp giông gió. Đến nay, tại thôn 5 và thôn 8 (xã Gio Hải) có 25 thuyền làm nghề này” – Anh Hải kể.
Người dân thôn Diêm Hà Hạ mỗi buổi sáng đánh bắt được 300 – 400 kg cá đuối. Nhiều ngư dân đánh bắt cá đuối mang lại hiệu quả cao từ nghề câu kiều, như: Trần Văn Thuận, Trần Văn Tùng, Hồ Văn Bắc, Hồ Văn Hải, Hồ Văn Xuân, Phan Văn Bảy…; thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Theo đó, nghề câu kiều là một hướng đi rất khả quan trong khai thác nguồn lợi thủy hải sản vùng bãi ngang tỉnh Quảng Trị.
>> “Mỗi thuyền làm nghề câu kiều thu nhập 40 – 70 triệu đồng/năm, có đêm tui kiếm được khoảng 7 tạ cá đuối, bán được gần 4 triệu đồng; nếu không có nghề kiều chắc tôi không trụ nổi” – Anh Hồ Văn Hải chia sẻ. |
Bộ câu kiều có bán và mua ở đâu ạ