Hoạt động đánh bắt hải sản trên biển ngày càng khó khăn hơn do chi phí tăng cao, nguồn lợi hải sản suy giảm. Vậy mà nguồn lao động trên biển cũng ngày càng khan hiếm dẫn đến thiếu “bạn ghe” (ngư phủ) nên đánh bắt hải sản xa bờ thêm khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch về sản lượng hải sản khai thác của ngành.
Thiếu “bạn ghe” đi biển
Theo kinh nghiệm của nhiều chủ tàu cá, trước và sau tết 1 tháng là thời điểm thời tiết thuận lợi, thường có nhiều luồng tôm, cá, nên hàng năm ngư dân chỉ ăn tết hết ngày mùng 1 là tất bật chuẩn bị dầu, nước đá, dụng cụ, thực phẩm… để ra khơi. Theo thông lệ hàng năm, đến hết ngày mùng 9 Tết Tiền Giang có hơn 1.400 tàu cá lớn nhỏ ra khơi, nhưng tới ngày hẹn xuất bến, mọi thứ đã sẵn sàng mà nhiều “bạn ghe” chẳng thấy tăm hơi, dẫn tới thiếu lao động trên tàu.
Thiếu “bạn ghe” là khó khăn làm giảm hiệu quả đánh bắt, gây ảnh hưởng đến sản lượng hải sản khai thác (ảnh chụp tại Cảng cá Mỹ Tho).
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tàu cá ở phường 2, TP. Mỹ Tho than: “Vài năm trở lại đây, nghề biển khó khăn, “bạn ghe” không còn mặn mà với chủ tàu. Có người dù đã ứng tiền của chủ tàu này nhưng lại sang làm việc cho tàu cá khác, chủ tàu cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Thông thường mỗi tàu lưới đèn cần khoảng 12 – 15 “bạn ghe”, nhưng hiện nay do khó khăn trong việc tìm người chịu đi biển nên chỉ còn có 7 – 10 người các chủ tàu cũng cho tàu xuất bến”.
Theo nhiều chủ tàu cá, tuỳ theo kích cỡ tàu và ngành nghề khai thác, số lượng “bạn ghe” cần cho một chuyến ra khơi từ 6 – 15 người; trong đó, tàu hành nghề cào đơn thì chỉ cần từ 5 – 6 ngư phủ, nhưng đối với tàu lưới đèn thì số lượng “bạn ghe” cần lên đến 14 – 15 người. Do đó, để bảo đảm đủ lao động phục vụ cho số lượng tàu thuyền tại Tiền Giang cần trên 10.000 lao động nam.
Tuy nhiên, số lượng lao động phục vụ cho nghề này có xu hướng giảm, trong khi số lượng tàu thuyền ngày càng phát triển, làm cho tình trạng khan hiếm lao động cho nghề này ngày càng trầm trọng. Ông Trần Văn Lực (Vàm Láng, Gò Công Đông) phân tích, nghề biển ngày càng thất bát do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, số lượng tàu thuyền đánh bắt ngày càng nhiều, cho nên thu nhập từ nghề này không còn thu hút được nhiều lao động.
Mặt khác, nghề biển vốn “sống trên đầu bọt nước” vô cùng nguy hiểm trong khi thu nhập không ổn định nên những người có trình độ học vấn lớp 9 trở lên thì họ chọn con đường đi làm công nhân ở các khu công nghiệp hay làm tài xế xe có thu nhập ổn định và an toàn hơn. Hơn nữa, thời gian gần đây nghề nuôi tôm công nghiệp cũng phát triển nên một số ít cũng lên bờ nuôi tôm cho các chủ ao, vừa đỡ nguy hiểm, lại có lương hàng tháng ổn định.
Giảm hiệu quả khai thác
Do cung không đủ cầu nên các “bạn ghe” được “rủ” đi biển thường “đồng ý” với yêu cầu chủ tàu cho mượn tiền để giải quyết công việc gia đình, tất nhiên không có chủ tàu nào từ chối. Đến đây, câu chuyện sẽ rất bình thường nếu các ngư phủ này giữ đúng lời hứa. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu bỏ trốn hay chuyển qua đi tàu khác, không những thế họ còn “trổ tài” lường gạt bằng cách cùng lúc mượn tiền trước của 2 – 3 chủ tàu nhưng không đi tàu nào.
Không chỉ mất tiền cho ngư phủ mượn mà các chủ tàu còn phải mất thêm khoản chi phí đi tìm ngư phủ. Ông Phan Văn Năm, chủ tàu (phường 2, TP. Mỹ Tho) ngao ngán kể: “Tàu của tôi là tàu lưới đèn cần từ 12 – 15 người mới đủ số lượng lao động ra khơi. Tuy nhiên, chuyến biển rồi tôi chạy khắp nơi kiếm gần 1 tháng trời cũng chỉ được 11 thuyền viên, đó là chưa kể phải cho tàu ra đậu ở cửa biển, sau đó đi tìm từng ngư phủ rồi dùng đò đưa ra tàu”.
Chuyến biển nào cũng vậy, trước khi ra khơi, các chủ tàu phải chạy xuôi, chạy ngược tìm bạn ghe và ứng trước tiền đi biển để họ lo cho vợ con. Thế mà những chuyến biển gần đây hầu như tàu nào ra khơi cũng đều thiếu từ 2 – 3 “bạn ghe”. Nghề đánh cá ngày càng “khó ăn” do chi phí chuyến biển ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, nhất là khi thiếu “bạn ghe” thì hiệu quả đánh bắt hải sản càng thấp.
Ông Phan Văn Lên (Kiểng Phước, Gò Công Đông) cho biết, tình trạng khan hiếm “bạn ghe” ngày càng trầm trọng nên có người đồng ý đi biển là các chủ tàu mừng lắm rồi. Do đó, chủ tàu nào khó tính lắm thì giữ chứng minh nhân dân của “bạn ghe” để làm tin. Dù vậy, không ít trường hợp “bạn ghe” nhảy xuống biển trốn khi tàu đã chạy cách bờ vài cây số, thậm chí có người còn phá cho tàu hỏng hóc để bỏ trốn khi tàu cập các đảo để sửa chửa, khiến tàu không đủ lao động phải quay về đất liền.
Trong nghề đánh bắt hải sản, hầu hết chủ tàu và nhất là “bạn ghe” có trình độ thấp, do đó ý thức ràng buộc nhau qua hợp đồng lao động là gần như không có. Thêm vào đó là nghề khai thác hải sản ngày một khó khăn, thu nhập của “bạn ghe” từ nghề này ngày càng thấp. Do đó, để “bạn ghe” gắn bó lâu dài với một tàu là chuyện không dễ, việc ngư phủ chuyển từ tàu khai thác kém hiệu quả sang tàu đánh bắt hiệu quả hơn là chuyện khó tránh khỏi.
Ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cũng thừa nhận thiếu “bạn ghe” đi biển là một trong những bất cập khó giải quyết của nghề đánh bắt hải sản ở Tiền Giang. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đánh bắt trên biển, cũng như kế hoạch về sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm của tỉnh.
>> Theo nhiều chủ tàu đánh cá, thanh niên tới tuổi trưởng thành ở bất cứ địa phương nào mà chưa có việc làm thì tìm người giới thiệu với chủ tàu và như vậy là trở thành “bạn ghe”. Khi mới thử việc, chủ tàu chỉ nuôi cơm, đến khi thạo việc thì bắt đầu tính điểm ăn chia. Tỷ lệ thông thường là 5 – 5 hoặc 6 – 4 tùy theo thoả thuận giữa “bạn ghe” với chủ tàu; nghĩa là mỗi chuyến tàu cá về cảng bán cá, sau khi trừ chi phí sẽ được chia đôi cho chủ tàu và “bạn ghe” hoặc chủ tàu 6, “bạn ghe” 4. Khi tàu rời đất liền thì chủ tàu mất quyền kiểm soát “bạn ghe”, việc kiểm soát tập trung vào tài công (thuyền trưởng). Khi đó, tài công là người có quyền hành cao nhất trên tàu và thực hiện việc chấm điểm từng thành viên trên tàu, kế đó là tài cải (máy trưởng), rồi tới kỹ thuật, anh nuôi, cuối cùng là ngư phủ. Dù phân chia trình tự như vậy nhưng khi chia sản phẩm thì chỉ tính vào tổng số điểm do tài công chấm qua lao động thực tế hàng ngày trên biển. |