Đánh bắt xa bờ – Tầm nhìn 2020

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thuỷ sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước với giá trị xuất khẩu liên tục tăng trong những năm trở lại đây. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình đạt từ 1,5 đến 1,8 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, khai thác thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn những yếu tố phát triển kém bền vững.

Chính sách và tầm nhìn lớn

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2010, sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 5.157,6 ngàn tấn, tăng 6,4% so với năm 2009; trong đó, sản lượng khai thác đạt 2.450,8 ngàn tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ và đạt 102,1% kế hoạch năm. Các con số này cho thấy, ngành thuỷ sản cũng như chiến lược đánh bắt xa bờ đang có những bước chuyển mình lớn, tạo đà cho thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020.

Đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5-7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng. Xây dựng các đội tàu có đủ công suất, trang thiết bị hiện đại, nhân sự có trình độ, các thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho những chuyến đánh bắt, thu mua hải sản dài ngày trên biển. Và cũng đến năm 2020, kinh tế thuỷ sản phấn đấu tăng trưởng gấp 2 lần hiện nay (khoảng 7 tỉ USD), trong đó 70% tỉ trọng từ vùng nước lợ và biển. Do vậy, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, duy trì đánh bắt gần bờ hợp lý, tăng cường nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo công nghệ cao kết hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên biển đặt ra cấp thiết.

 

Hiện Việt Nam có trên 14.000 tàu đánh bắt xa bờ hoạt động trên Biển Đông và biển Tây Nam               Ảnh: Xuân Trường

Sẵn sàng cho chiến lược lớn

Hiện nay, cả nước có 95.609 tàu hoạt động nghề cá ở Biển Đông và biển Tây Nam. Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ trên 14.000 chiếc, công suất từ 90CV đến 360CV và thường xuyên có khoảng 300.000 đến 500.000 ngư phủ bám tàu, bám biển. Tập trung nhất là ngư trường vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và biển Tây Nam. Tuy gọi là đánh bắt xa bờ, nhưng những chiếc tàu này chỉ có thể khai thác quanh khu vực biển Đông, không đủ khả năng đi đánh bắt dài ngày trên các đại dương. Do vậy, cần chính sách hỗ trợ để đóng tàu đánh bắt xa bờ. Thay vì hỗ trợ cho ngư dân để cho ra đời một loạt tàu gỗ nhỏ công suất 90 – 600CV như đã làm trong thời gian qua, Chính phủ sẽ hướng sự giúp đỡ vào một số doanh nghiệp để khuyến khích họ đầu tư phát triển các đội tàu đánh bắt viễn dương. Có những đội tàu lớn, việc đầu tư các phương tiện hỗ trợ đánh bắt hiện đại sẽ đạt hiệu quả.

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, trải dọc đất nước, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, công tác hậu cần nghề cá phục vụ cho đánh bắt xa bờ. Theo quy hoạch, đến năm 2020, cả nước sẽ có 211 cảng cá, bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng cá, bến cá là 2,36 triệu tấn/năm. Xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng. Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.

 

Duy Cường

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!