Chủ tàu nhận tiền hỗ trợ, ngồi nhà rung đùi, thuê ngư dân đi bạn. Lý do chủ tàu chỉ thuê người, vì đây là con tàu cũ nát có thể bị đánh đắm bất cứ lúc nào. Đó là câu chuyện ở tỉnh Bình Định và một số địa phương lân cận.
Nhiều tàu cá nhỏ và cũ nát nhưng vẫn đi đánh bắt quá xa
Mặt trái của việc nhận tiền hỗ trợ dầu là ngư dân bất chấp sinh mạng.
Biết chết…
Tháng 7 năm 2017, làng chài ở cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định dậy sóng vì 3 tàu cá bị chìm, 14 ngư dân trôi dạt và tìm được 5 người, còn lại là 9 ngư dân xấu số. Sau vụ việc trên, tôi tìm đến địa phương để tìm hiểu câu chuyện phía sau vụ tai nạn này là gì. Thì ra, nguyên nhân đầu tiên khiến những con tàu này nhanh chóng bị sóng đánh chìm là tàu quá nhỏ, nhưng đi xa đến mức gần chạm đến bên kia bờ biển Đông.
Chủ chiếc những chiếc tàu cá này là những ngư dân trẻ và hàng ngày ngồi nhà đếm tin nhắn. Toàn bộ thuyền trưởng và ngư dân được thuê đi biển. Nếu tính tổng số tiền hỗ trợ hàng năm của nhà nước chi trả thì chủ tàu chỉ chia cho ngư dân phần nhỏ giọt, còn lại thì hưởng hết. Chủ tàu còn có những quy định kiểu “cửa hẹp” để có thể hưởng lợi, đó là “anh đi với tôi hết năm thì được chia tiền dầu, nếu bỏ tắt ngang thì trắng tay”.
Ông T, một chủ tàu có uy tín tại địa phương yêu cầu giấu tên cho biết, những ngư dân hiện nay được thuê mướn bao trọn gói và cầm lái đi biển thì đều là những ngư dân có hoàn cảnh quá nghèo. Chủ tàu giao cho họ lái những chiếc tàu rất cũ, chiều dài tàu chỉ chừng 15 mét, có tàu thậm chí chỉ dài 14 mét trông giống như chiếc đò (tàu gỗ hiện nay đóng hạng trung đã dài 19 mét, tàu khá hơn thì đóng 21 mét và tàu lớn là dài 25 – 27 mét).
Ông T còn cho biết thêm những thông tin nghe lạnh người, đó là giao tàu cũ cho ngư dân để khi đánh bắt lỡ bị các nước bắt tịch thu tàu thì số tài sản bị mất không lớn. Giá thành những chiếc tàu nhỏ này chỉ chừng 500 – 700 triệu đồng, trong khi tàu lớn thì trị giá khoảng 3 – 4 tỷ đồng, tức giá trị gấp nhiều lần nên không ai dại gì mà đi cận sang bờ biển các nước ở tận tọa độ 119 – 120 độ kinh đông. Thời gian ra tới điểm thả câu khoảng 4 ngày 4 đêm.
Khi gặp gỡ và phỏng vấn một số ngư dân may mắn thoát chết, tôi nhận được câu trả lời, dù biết đi tàu nhỏ là nguy hiểm, có thể chết, nhưng mà vì cuộc sống mưu sinh. Có ngư dân còn thốt lên “cái tàu cũ nát và nhỏ, khi gặp gió thì nó cứ xoay xoay và kéo hết ga cũng chỉ đứng yên một chỗ, sóng đánh 2 ông liên tục là gần chìm, trong khi tàu lớn của người ta thì đứng vững và anh em an toàn hết”.
Gõ chuối…
Trong một cuộc họp tại tỉnh Bình Định vào năm 2017, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, ngành thủy sản phải rà soát lại toàn bộ tàu thuyền mục nát đang đánh bắt xa bờ để ngăn chặn việc đưa ngư dân ra khơi trên các tàu nhỏ nguy hiểm. Đến các bến tàu, muốn nhận diện được loại tàu cũ nát thì có thể quan sát bằng mắt thường bằng cách đến các bãi đóng tàu, nếu có điều kiện thì lên các tàu cá neo sát bờ. Khi quan sát be tàu sẽ nhận ra, gỗ ván đã mòn vẹt, có be tàu bị thủng từ trước ra sau, mặt ván nứt nẻ và các chốt hãm, đinh cũng bị rỉ đến mức không thể tháo gỡ ra được.
Ông Nguyễn An, một ngư dân có kinh nghiệm tại địa phương cho biết, cách đây 20 năm, tàu đánh bắt xa bờ được quy định là tàu có công suất máy 90 mã lực trở nên. Thời điểm đó, tàu có chiều dài 15 mét được coi như lớn nhất làng chài. Nhưng lúc đó thì phạm vi hoạt động của tàu cá chỉ cách bờ 100 – 200 hải lý được xem như xa bờ. Còn hiện nay tàu cá đã đi cách bờ 350 – 450 hải lý và điều kiện thời tiết đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.
Ông Nguyễn Đảm, quê ở cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định là ngư dân từng phải bỏ tàu BĐ 96216 TS để sang tàu cá BĐ 97306 TS và thoát chết trong cơ bão Haitang vào năm 2017 miêu tả lại, “tối xuống, dù neo bị đứt, tàu chạy hết ga hết số nhưng một đêm chỉ đi được khoảng 4 hải lý (gần 8 km), trong khi các tàu lớn khác thì chạy né bão hết rồi, tàu nhỏ quá nguy hiểm”.
Ngư dân Nguyễn Đảm từng rời bỏ chiếc tàu cũ để sang tàu cứu nạn
Sau những vụ tai nạn trên biển, các chủ tàu lại tiếp tục thu mua tàu cũ để thuê mướn ngư dân đi biển theo kiểu “bay chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.