Ngày 12/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan nhằm đánh giá tình hình triển khai Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019).
Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ngư dân
Sau khi nghe báo cáo của Bộ NN&PTNT, các đại biểu tham gia đã trao đổi cũng như đóng góp ý kiến về những vướng mắc trong quá trình triển khai. Ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Nghề cá việt Nam cho biết: “Sau khi Luật Thủy sản 2017 ban hành, Hội Nghề cá đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cho các hội viên và bà con ngư dân triển khai thực hiện; đồng thời theo dõi và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc bằng văn bản để gửi Bộ NN&PTNT. Trong đó, vấn đề được bà con ngư dân quan tâm là việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài (m) và cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá còn nhiều bất cập”. Theo ông, việc cấp hạn ngạch cho tàu cá là cần thiết, tuy nhiên cần phải có lộ trình và thời gian để ngư dân chuyển đổi kịp, đồng thời phải có tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại nghề khai thác ở các vùng biển. Do đó, Hội kiến nghị Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc này cho ngư dân.
Tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao những ý kiến của các đơn vị tham gia, đồng thời, giải đáp những thắc mắc mà đại biểu đặt ra.
Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội ghi nhận sự tích cực và hoạt động có nhiều kết quả của Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, Ủy ban luôn đồng hành, lắng nghe và cùng chia sẻ với Bộ NN&PTNT để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai Luật Thủy sản 2017. Ông cũng đề nghị, sau buổi làm việc, Bộ NN&PTNT cần hoàn thiện báo cáo, bổ sung và làm rõ những thông tin, kiến nghị đại biểu đưa ra, góp phần đảm bảo triển khai Luật thủy sản 2017 có hiệu quả.