T2, 06/07/2020 12:04

Đánh thức tiềm năng khu vực Bắc Trung Bộ

Chưa có đánh giá về bài viết

Các tỉnh Bắc Trung bộ có thế mạnh phát triển thủy sản, được đánh giá là “kho báu chìm”, với trữ lượng hải sản lớn, diện tích nuôi trồng nhiều. Tuy nhiên, những lợi thế này chưa được sử dụng và phát huy hết công suất, gây lãng phí tiềm năng.

Diện tích có thể phát triển nuôi trồng thủy (NTTS) sản toàn vùng Bắc Trung bộ là 163.896 ha; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 115.557 ha, mặn lợ 48.339 ha. Ngoài ra, khu vực này còn có hàng chục triệu ha mặt nước hồ chứa chưa được khai thác, với 1.947 hồ chứa.

 

Tăng năng suất dưới 10%

Đánh giá của Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho thấy, chất lượng tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản khu vực này chủ yếu dựa vào các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng, thiên về số lượng; do đó hiệu quả còn thấp. Tăng trưởng sản lượng khai thác thủy sản bình quân giai đoạn 2010 – 2014 vẫn phụ thuộc trên 90% vào tăng số tàu thuyền đánh cá, yếu tố tăng năng suất chiếm dưới 10%, tăng trưởng giá trị sản lượng phụ thuộc chủ yếu vào tăng sản lượng, chiếm 85%; yếu tố tăng giá còn chiếm tỷ trọng thấp, 15%. Tăng trưởng giá trị sản lượng NTTS bình quân giai đoạn 2010 – 2014 phụ thuộc 88% vào tăng sản lượng nuôi trồng; chế biến xuất khẩu chủ yếu là chế biến thô sơ, sơ chế chiếm trên 85%; do đó giá trị đạt được rất thấp.

Có thể thấy trong hoạt động NTTS, khai thác, chế biến đều nhỏ lẻ, chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, diện tích NTTS chỉ chiếm trên 5% diện tích nuôi cả nước, sản lượng nuôi 139.000 tấn, chiếm 3,87% sản lượng cả nước; trong đó, sản lượng nuôi tôm nước lợ chỉ chiếm 4,76%. Hiện, nuôi thủy sản nước ngọt chưa có tính đột phá, sản lượng giống còn hạn chế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất giống chỉ gần 18%.

tiềm năng thủy sản khu vực bắc trung bộ

Khai thác thủy sản tại khu vực Bắc Trung bộ

Đánh giá hiện trạng các địa phương, ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch của các địa phương tại khu vực Bắc Trung bộ còn hạn chế, nhiều địa phương chưa thực hiện theo đúng quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển.

 

Vực dậy cách nào?

 Theo định hướng phát triển của ngành, thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp phát triển bền vững. Phải rà soát lại quy hoạch thủy sản hiện có của vùng, điều chỉnh bổ sung với tình hình thực tế, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giữa địa phương và kinh tế vùng. Xây dựng quy trình quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, đảm bảo đây là những công cụ hiệu quả trong quản lý và phát triển thủy sản. Đồng thời, cần có giải pháp tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại từng lĩnh vực kinh doanh thủy sản, chế biến, tiêu thụ, hậu cần nghề cá, thu hút đầu tư…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ có tiềm năng phát triển nghề thủy sản; do đó, cần vực dậy những thế mạnh này, như nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh cần được tổng kết và nhân rộng, trong quá trình nuôi cần thực hiện xử lý môi trường, lấy nước từ biển để việc nuôi đạt hiệu quả cao. Phát triển các đối tượng nuôi nước ngọt, các viện nghiên cứu cần phối hợp đặt hàng doanh nghiệp, gắng giảm giá bán, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trong nước. Trong lĩnh vực khai thác, cần quản lý số lượng tàu cá khai thác xa bờ, thực hiện khai thác theo hướng tăng sản lượng, điều tra nguồn lợi ngư trường, chuyển đổi nghề ven bờ, học tập mô hình đồng quản lý trên phá Tam Giang – Cầu Hai tại Thừa Thiên – Huế, rà soát khu bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái liên quan bảo vệ và phát triển nguồn lợi, đặc biệt nguồn lợi rừng ngập mặn. Trong hoạt động chế biến, tiêu thụ, do thiếu nguyên liệu cho các nhà máy, cần có cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư chế biến, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại. Xu hướng cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh quốc tế bằng chất lượng, giá cả. Do đó, cần tăng cường kết nối giữa các địa phương với cơ quan quản lý nhà nước.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!