Đánh thức tiềm năng thủy sản Quảng Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản. Thế nhưng, thời gian qua, lĩnh vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực đang có. Trước thực tế đó, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân nuôi trồng hiệu quả và bền vững hơn.

Phát triển chưa tương xứng

Trong những năm qua, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngành thủy sản đã có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh Quảng Nam. Sản lượng thủy sản trong giai đoạn 2018 – 2022 của tỉnh Quảng Nam có xu hướng tăng lên với tỷ lệ trung bình đạt 4,4%, trong đó sản lượng khai thác tăng 2,1%, sản lượng nuôi trồng tăng 2,3%.

Nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững. Ảnh: Việt Nguyễn

Theo tin từ Sở NN&PTNT Quảng Nam, tổng sản lượng thủy sản cả năm 2023 ước đạt 129.850 tấn, tăng 1,5% (1.916 tấn); giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2023 ước đạt 4.483 tỷ đồng, tăng 1,6% so năm 2022. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2023 ước đạt 27.377 tấn, tăng 2,24% so năm 2022. Diện tích nuôi ao năm 2023 nhìn chung ít biến động so năm 2022; riêng nuôi lồng bè tăng mạnh từ 2.920 lồng/bè năm 2022 tăng lên 3.030 lồng/bè năm 2023 (tăng 16,54%).

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 đạt 102.473 tấn/95.500 tấn, đạt 107% kế hoạch, tăng 1,3% so năm 2022, trong đó khai thác biển 95.785 tấn, khai thác nội địa là 6.688 tấn. Đến nay, số lượng tàu cá toàn tỉnh là 2.713 chiếc, trong đó vùng khơi (≥ 15 m) là 646 chiếc, vùng lộng (12 – 15 m) là 729 chiếc, vùng bờ (6 – 12 m) là 1.338 chiếc.

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam cũng đã tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ ngư dân thường xuyên tham gia đánh bắt, dịch vụ hải sản ở vùng biển xa. Đồng thời, triển khai thực hiện công tác chống khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU). Cụ thể, đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh các nội dung: Thông tin, tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản 2017, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 45/CTTTg… và các văn bản chỉ đạo giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban Châu Âu về chống khai thác IUU tại tỉnh. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý tàu cá (đăng ký tàu cá, đánh dấu tàu cá, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt, theo dõi thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên). Kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng cá, xử lý đối với các vi phạm về khai thác IUU.

Quảng Nam sẽ chuyển đổi và xây dựng mới các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh. Ảnh: Việt Nguyễn

Dù đạt được kết quả khá tích cực, song so với lợi thế và tiềm năng, ngành thủy sản Quảng Nam trong thời gian qua phát triển chưa tương xứng, chưa khai thác hết nguồn lực sẵn có. Cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý; hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả; chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản còn thấp.

Mặc dù hiện nay, con tôm khẳng định là đối tượng chủ lực của nghề nuôi thủy sản, thế nhưng nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững. Ngoài số ít mô hình ứng dụng công nghệ cao thì chủ yếu vẫn là nuôi với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Các hộ dân thiếu liên kết với doanh nghiệp, không mặn mà phối hợp. Đặc biệt, khi tôm trong ao chết lại xả thải ra môi trường nên thường xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt.

Đầu tư vùng nuôi tôm thâm canh

Để ngành thủy sản tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững, trong thời gian tới ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó việc huy động vốn cho ngành thủy sản là vấn đề then chốt cần ưu tiên nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc còn tồn tại trong suốt thời gian qua. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, các quỹ hỗ trợ phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, xúc tiến thương mại để từng bước đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Đối với nuôi tôm nước lợ, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch để chuyển đổi và xây dựng mới các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, tập trung tại các địa phương. Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi tôm thâm canh. Để nghề nuôi tôm phát triển theo chuỗi đạt hiệu quả cao, các địa phương cần rà soát và tổ chức lại mô hình sản xuất đơn lẻ theo hộ cá thể thành sản xuất liên kết, hợp tác.

Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nuôi tôm. Thực hiện chuyển đổi sang nuôi tôm hữu cơ thích ứng với diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan. Đặc biệt, sẽ chú trọng hơn nữa quan trắc cảnh báo môi trường nuôi tôm nước lợ để vừa hướng dẫn sản xuất hiệu quả hơn vừa phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!