T5, 13/04/2023 10:57

Dấu ấn chuỗi hội thảo chuyên đề tại VietShrimp 2023

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Như tin đã đưa, sau lễ khai mạc, VietShrimp 2023 bước vào chuỗi các nội dung hội thảo chuyên đề, với sự tham gia của các diễn giả đến từ các Viện, Trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành. Với các chủ đề bám sát tình hình thực tế ngành tôm, tất cả các phiên hội thảo đều thu hút đông đảo khách tham dự.

Định hướng chính sách

Ngay trong phiên đầu tiên, với chủ đề: “Định hướng chính sách ngành tôm Việt Nam”, bên cạnh thông tin thực tế về những tiềm năng, vị thế cũng như khó khăn, thách thức của ngành tôm, các diễn giả còn thông tin đến hội thảo những vấn đề bức xúc cùng các đề xuất, kiến nghị nhằm duy ngành tôm duy trì sự phát triển hiệu quả và bền vững. Dù ở góc độ là nhà khoa học, doanh nghiệp hay hiệp hội ngành hàng, các diễn giả đều có chung nhận định là: tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam còn thấp, chi phí đầu vào cao, dịch bệnh vẫn còn bùng phát… dẫn đến giá thành tôm nuôi cao hơn 1 – 2 USD/kg so với 2 đối thủ chính là Ecuador và Ấn Độ, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường. Do đó, theo các diễn giả, ngành tôm cần sớm thay đổi cách tiếp cận kể cả về công tác giống, mô hình, quy trình nuôi… để gia tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành sản phẩm, nhằm giúp ngành tôm duy trì và phát huy hơn nữa vị thế trên thị trường thế giới.

Ông Trương Đình Hòe trình bày tham luận tại Hội thảo VietShrimp 2023. Ảnh: PTC

Thông tin thêm về thị trường tôm năm 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, rất khó đưa ra dự đoán về kết quả xuất khẩu tôm do tác động từ lạm phát toàn cầu, nhu cầu thị trường giảm và cạnh tranh ngày càng cao. Do đó, ông Hòe đề xuất: “Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí sản xuất, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường. Cần quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm có tính đặc thù, sản phẩm giá trị gia tăng, chủ động thay đổi cơ cấu thị trường, sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc”. Liên quan đến giá thành tôm nuôi, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề xuất cần xem xét lại cách tiếp cận ngay từ khâu con giống cho đến mô hình, quy trình hay mật độ thả nuôi. Theo đó, cần thúc đẩy chương trình gia hóa tôm bố mẹ để tạo ra nguồn giống chống chịu dịch bệnh, thích ứng với điều kiện các vùng nuôi, nhằm nâng cao tỷ lệ nuôi thành công và xây dựng quy trình nuôi hợp lý, tối ưu, giá thành thấp cho từng mô hình nuôi. Các tham luận của TS Trần Hữu Lộc, TS Nguyễn Duy Hòa đều đặt trọng tâm vào các giải pháp làm sao nâng cao tỷ lệ sử dụng đất, tỷ lệ nuôi thành công, tối ưu hóa chi phí, giá thành nuôi để tăng tính cạnh tranh, giữ vững và phát huy vị thế ngành tôm trên thị trường thế giới vì ngành tôm hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về thị trường lẫn dịch bệnh, môi trường.

Nâng tầm chuỗi giá trị

Đây là chủ đề chính của phiên hội thảo thứ hai của VietShrimp 2023 với 7 tham luận chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành tôm. Với nội dung giải pháp vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững, ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Tổng giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc đã trình bày về các cơ hội và thách thức cho ngành tôm Việt Nam; phát triển chuỗi liên kết ngành tôm Việt Nam và đặc biệt là mục tiêu xuyên suốt được Việt Úc khởi xướng là lan tỏa giải pháp khép kín chuỗi giá trị vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững. Ông Cẩn chia sẻ: “Bền vững ở đây phải được hiểu là bền vững cho môi trường và cả ngành tôm; là bền vững cho người dùng và nâng tầm giá trị thương hiệu tôm Việt Nam”.

Đặc biệt, tại phiên hội thảo này, các đại biểu được nghe TS Nguyễn Thanh Mỹ đến từ Công ty RYNAN Technologies trình bày về mô thức TOMGOXY nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh không phát thải khí nhà kính. Đây là hình thức nuôi còn rất mới mẻ với người nuôi tôm cả nước, nhưng bằng những kết quả được đúc kết từ thực tế sản xuất ở trang trại tại Trà Vinh, mô thức đã thuyết phục được cả những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nuôi tôm của Việt Nam. 

TS Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc nhận xét: “Tôi rất ấn tượng và thích thú với mô hình này. Tất cả đều hết sức hoàn hảo, rất bền vững theo xu thế sản xuất xanh hiện nay”. Theo đó, mô hình này có những lợi thế, như: góp phần bảo tồn và trồng mới rừng ngập mặn; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, nước và điện; canh tác tuần hoàn tôm kết hợp với tảo, cá và tái sử dụng nước thải; sử dụng điện năng lượng tái tạo thay dần điện lưới quốc gia; ứng dụng công nghệ số và thông tin truyền thông để tạo giá trị mới… Cũng tại phiên hội thảo này còn có các tham luận của các doanh nghiệp: Skretting, Deheus, Thăng Long, Cargill…

Số hóa chuỗi giá trị

Đây cũng là một phiên hội thảo khá sôi nổi và hấp dẫn với những mô hình, công nghệ, thiết bị mới được các diễn giả đến từ các doanh nghiệp hàng đầu, như: C.P, Olmix, Grobest, Otanics, Skretting Việt Nam, FarmX.vn, Huetronics…

Ngay trong phần mở đầu, ông Lê Văn Linh, Giám đốc bộ phận kỹ thuật của Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam đã hâm nóng hội trường bằng mô hình CPF-Combine House (mô hình nuôi tôm nhà mái). Đây là mô hình mới được C.P nghiên cứu sản xuất thử nghiệm rất thành công tại tất cả các vùng nuôi tôm trên cả nước và hiện đang được người nuôi tôm có điều kiện ứng dụng tại hầu hết các tỉnh nuôi tôm ở ĐBSCL. Mô hình có ưu điểm là tăng độ an toàn sinh học, ổn định môi trường nước, ổn định nhiệt độ, giảm sự ảnh hưởng từ nước mưa và giảm sự phát triển của tảo. 

Grobest cũng gây ấn tượng mạnh với mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang tên Grofarm kết hợp cùng sản phẩm thức ăn chức năng, giúp hỗ trợ phòng bệnh cho tôm nuôi. Đây là dòng thức ăn kích thích tôm bắt mồi tốt, tăng cường hệ miễn dịch cho tôm, giúp phục hồi tổn thương, giảm viêm ruột và chống ôxy hóa. Sự mới lạ về công nghệ số được Otanics mang đến hội thảo mang tên nuôi tôm dựa trên dữ liệu. Theo đó, hệ thống quản lý trại tôm linh hoạt Tomota giúp giám sát và tự động hóa thiết bị; quản lý vật tư chính xác; tối ưu vận hành; dự đoán và khuyến nghị dựa trên dữ liệu. Tính hiệu quả của hệ thống đã được chứng minh qua thực tiễn vận hành tại các trại nuôi của tập đoàn Minh Phú và một số trại tôm nhỏ khác. FAMX cũng mang đến cho người nuôi tôm nhiều sự lựa chọn hơn về thiết bị nuôi tôm sao cho với một chi phí hợp lý nhất và đạt hiệu quả tốt nhất.

TS. Trần Ngọc Thiên Kim, Giám đốc công thức Grobest Việt Nam, chia sẻ về công thức thức ăn độc quyền của doanh nghiệp kết hợp với mô hình GROFARM. Ảnh: PTC

Xây dựng thương hiệu tôm Việt

Đây cũng là chủ đề của phiên hội thảo cuối cùng trong khuôn khổ VietShrimp 2023 này và cũng là chủ đề có sự tham dự của Tạp chí Thủy sản Việt Nam, với tham luận “Báo chí trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp”. Trong tham luận này, diễn giả đã trình bày vai trò của báo chí truyền thông đối với doanh nghiệp; phát triển thương hiệu và uy tín ngành thủy sản Việt Nam; Tạp chí Thủy sản Việt Nam – Bạn đồng hành của doanh nghiệp thủy sản. 

Các tham luận trong phiên cuối cùng này còn tập trung vào những nội dung, như: hiện trạng và xu hướng phát triển nguồn nhân lực thủy sản ở ĐBSCL; quản lý sức khỏe hệ vi sinh vật trong môi trường thủy sản; thiết kế farm nuôi tôm công nghiệp – những tiêu chí cần thiết để đảm bảo thành công; di truyền tôm API – Vấn đề sống còn; phương pháp mới kiểm soát bệnh do vi khuẩn trên tôm mà không cần kháng sinh…

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!