T5, 06/07/2023 10:53

Dấu ấn của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng ngày 5/7 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm nay toàn ngành đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bộ đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các diễn đàn song phương và đa phương, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như của ngành nông nghiệp nước nhà.

Bộ đã phát triển các hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch bền vững, chỉ đạo các doanh nghiệp đưa ra giải pháp thích ứng với các quy định mới của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt Bộ đã tập trung thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết các hợp tác xã trong sản xuất chế biến tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu của các mặt hàng nông sản, ưu tiên phát triển các mặt hàng nông sản có lợi thế, tập trung phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi để ổn định sản xuất, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh các văn bản hướng dẫn đã ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, trong 6 tháng đầu năm Bộ đã hoàn thành 60/192 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, còn 132 nhiệm vụ đang triển khai trong đề án. 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thùy Khánh 

Còn nhiều khó khăn cần khắc phục 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang ở mức cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm, thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng, liên ngành ở nhiều địa phương, nhiều ngành hàng còn rời rạc.

Quyết liệt vượt khó, bứt phá trên mọi lĩnh vực 

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Braxin); khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, Asean, Úc – New Zealand, Trung Đông, Châu phi…). Tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam. Từ đó, góp phần tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Khánh

Giải pháp tích cực cho cuối năm

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Luật Thuỷ lợi. Tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch để tháo gỡ những nút thắt về chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hoàn thành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án 6 tháng cuối năm 2023.

Với ngành Thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện 2 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực thủy sản; trình ban hành các chính sách phát triển thủy sản; triển khai các Chương trình quốc gia và Đề án thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, trong đó tập trung theo dõi thời tiết và dự báo ngư trường để hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nêu định hướng phát triển cho ngành thủy sản trong thời gian tới. Ảnh: Thùy Khánh 

Phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra), đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi. 

Sau khi tiếp nhận và phân tích các ý kiến trình bày của các đại biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ ra một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu của Ấn Độ, Hàn Quốc để ngành Nông nghiệp Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ còn trên dưới 120 ngày cho những nỗ lực cố gắng về công tác chỉ đạo, điều hành quản lý để đạt được những chỉ tiêu đề ra cho năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức. 120 ngày cho thấy thời gian đang cạn dần mà khối lượng công việc thì không bao giờ dừng lại ở con số cố định chờ đợi chúng ta hoàn thành mà liên tục phát sinh những vấn đề mới hàng giờ, hàng ngày trên từng cánh đồng, thửa ruộng, bờ ao”. Bộ trưởng cũng ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của các đơn vị, ngành liên quan cho kết quả 6 tháng vừa qua. Từ khóa của hội nghị sơ kết hôm nay là giải pháp. Mong rằng các giải pháp sẽ sớm được hiện thực hóa, phát huy được hiệu quả việc quản trị, điều hành sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. 

>> Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%, lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,77%.

>> Sáu tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Khai thác đạt 1,93 triệu tấn, tăng 0,2% (trong đó khai thác biển 1,85 triệu tấn, tăng 0,1%). Nuôi trồng đạt 2,34 triệu tấn, tăng 3% (cá tra đạt 789,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm sú 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm thẻ 315,2 nghìn tấn, tăng 5,2%).

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!