(TSVN) – Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến vào khai thác trên biển, đã và đang được nhiều địa phương tập trung thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng thủy sản sau khi khai thác, các tỉnh, thành ven biển nước ta đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản và chế biến. Điển hình là ứng dụng tời thủy lực cho nghề chụp, nghề lưới rê đáy, đèn LED cho nghề chụp mực trong khai thác. Công nghệ đá sệt, công nghệ lạnh kết hợp, công nghệ Nano trong bảo quản và các quy trình rửa, sấy phun, chín sinh học khi chế biến thủy sản…
Ảnh: TTXVN
Theo đó, sử dụng đèn LED trong khai thác hải sản, mang lại lợi ích rất lớn cho cá nhân các chủ tàu, cho cả nền kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường, thông qua giảm lượng phát thải nhà kính. Đã có nhiều tàu lưới chụp của các tỉnh ứng dụng đèn LED vào sản xuất như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận. Sau một năm lắp đặt thử nghiệm, hệ thống đèn LED trên tàu cá của ngư dân đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Hay như công nghệ Nano UFB (Ultra Fine Bubble) là công nghệ bảo quản hiện đại, giúp ngư dân có thể giữ tươi con cá sau đánh bắt tốt hơn các cách làm cũ. Nano UFB là công nghệ tạo bóng khí siêu nhỏ có đường kính nanomet. Khi thiết bị hoạt động, sẽ cấp khí nitơ vào máy tạo bong bóng siêu nhỏ, được hòa trộn ở bên trong thiết bị, nhờ các cơ cấu ống nano, tạo thành dung dịch chứa bong bóng khí nitơ kích cỡ nanomet, mang điện tích âm có tác dụng hút các chất hữu cơ khác mang điện tích dương, làm sạch nước rất hiệu quả. Các bong bóng nano nitơ sẽ khử ôxy hòa tan trong nước, làm giảm hoạt động và phát triển của vi khuẩn hiếu khí, do đó loại bỏ quá trình ôxy hóa từ bề mặt ngoài vào đến tận bên trong cơ thể cá, giúp cá được bảo quản tốt, ngăn chặn được tình trạng thịt cá bị ôi, biến chất.
Từ năm 2016 – 2023, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành chuyển giao 3 công nghệ vào thực tiễn sản xuất gồm: Hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp; Hệ thống tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy; Hệ thống ánh sáng đèn LED cho nghề lưới chụp. Đơn vị đã chuyển giao thành công 32 mô hình tời thủy lực, thay thế cho tời cơ truyền thống của nghề lưới chụp mực, khai thác hải sản xa bờ tại nhiều địa phương trong cả nước. Đến hiện tại, 3 công nghệ mới này, đã nhân rộng được khoảng 650 mô hình trong cả nước, do cộng đồng ngư dân tự đầu tư vốn.
Bằng hệ thống tời thủy lực, do giảm thời gian thu lưới, sẽ giúp làm tăng 15 – 25% năng suất lao động, tăng 15 – 16% lợi nhuận; 1,5 lần thu nhập của người lao động và tăng 2 – 3 mẻ lưới trong 1 đêm. Bên cạnh đó, sẽ giúp tăng tuổi thọ dây giềng rút chính từ 3 – 4 tháng lên đến 6 – 7 tháng, tăng an toàn lao động đối với thao tác thu, thả lưới và giảm 2 – 3 thuyền viên trên tàu lưới chụp, nếu lắp đặt hệ thống tời thủy lực.
Kết quả khảo sát cho thấy 100% tàu lưới chụp đóng mới, đều có nguyện vọng lắp hệ thống tời thủy lực mới này. Với công nghệ ánh sáng đèn LED, khi sử dụng đã giúp các tàu khai thác hải sản tiết kiệm được khoảng 35,8% – 47,6% nhiên liệu chạy máy phát điện, năng suất khai thác cao hơn khoảng 1,4 – 2,08 lần, doanh thu cao hơn khoảng 1,02 – 1,24 lần và lợi nhuận chuyến biển cao hơn khoảng 1,41 – 2,53 lần.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ trong bảo quản sau khai thác thủy hải sản đang diễn ra khá tích cực. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ trang bị hầm bảo quản hải sản vật liệu PU (theo công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh), ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Inox và Polyurethane; thiết bị cấp đông (hệ thống thiết bị cấp đông -18 đến -70oC, được sử dụng phổ biến trên tàu cá công nghiệp vỏ sắt hoặc vỏ vật liệu mới ở các nước có nghề cá phát triển); sử dụng công nghệ đá sệt làm từ nước biển để bảo quản hải sản…
TS Nguyễn Xuân Thi, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam cho biết, công nghệ đá sệt làm từ nước biển, luôn bảo đảm nhiệt độ tâm cá duy trì từ -1 đến -1,5oC trong suốt quá trình bảo quản, cho đến khi tàu về cảng cá. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm tăng bình quân hơn 30% và giảm được từ 3 – 4,5% tổn thất về trọng lượng, so với quy trình bảo quản bằng đá xay hoặc nước đá hiện tại của ngư dân, lại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể thấy doanh thu chuyến biển, sau 25 – 30 ngày bảo quản hải sản bằng đá sệt, tăng lên từ 11 – 14% so với bảo quản bằng nước đá. Chi phí nhiên liệu chạy hệ thống đá sệt thấp hơn chi phí mua đá cây. Lợi nhuận ròng bảo quản cá bằng đá sệt cao hơn đá xay khoảng 25 – 35 triệu đồng/ chuyến biển. Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam đang bắt đầu chuyển giao công nghệ này cho các tàu cá đánh bắt xa bờ ởTP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hồng Hạnh