(TSVN) – Ngành nông nghiệp nước ta phát triển rất đa dạng, vẫn là trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, cái khó để ngành hàng này bứt tốc là thiếu đầu tàu dẫn dắt, đó chính là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thấp, chính sách chưa thỏa đáng trong khi rủi ro cao khiến cho số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn.
Mặc dù là một quốc gia mạnh về nông nghiệp, nhưng hiện ở nước ta không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước (89.5876 doanh nghiệp). Hơn nữa, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chiếm đến 90%; doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô vừa chiếm 4% và doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm gần 6%.
Khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: ST.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, mặc dù hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên việc tiếp cận chính sách trong thực tế rất khó khăn, như giá đất, thuế… Trong khi đó đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nhưng chi phí rất cao.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp không mặn mà với nông nghiệp phần lớn là do tỷ lệ sinh lời của nông nghiệp thấp, rủi ro vì thiên tai lũ lụt lớn, hiệu suất hiệu quả ít, khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế.
Nếu không thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia sâu vào ngành nông nghiệp, sẽ rất khó để ngành hàng này tạo những đột phá mới. Ông Nguyễn Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Sự tham gia của doanh nghiệp làm người chăn nuôi thay đổi tư duy sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Chỉ như vậy mới có một ngành sản xuất chuyên nghiệp và bền vững.
Về lâu dài, điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho những mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu. Chưa kể, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, vai trò trung tâm trong ngành nông nghiệp sẽ chuyển sang doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp là lực lượng có thể huy động vốn, áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất cho nông dân, đem sản phẩm của Việt Nam ra thế giới.
Nhằm khuyến khích nhiều doanh nghiệp hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo nội dung Dự thảo Nghị định này, nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào dự án hoặc vùng nguyên liệu phục vụ cho dự án; Chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bao gồm chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ (cả dây chuyền sản xuất) được xác định theo quy định của pháp luật xây dựng áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Cùng đó, Nghị định này sẽ ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, các dự án ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các dự án liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động bố trí vốn và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ hỗ trợ sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Cũng theo nội dung Dự thảo Nghị định này, với việc hình thành vùng nguyên liệu, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/ha đối với chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng nguyên liệu nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án. Đồng thời, Ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng tiền tối đa tương đương 4%/năm lãi suất vay vốn cho các khoản vay đã trả lãi cho ngân hàng thương mại; thời gian hỗ trợ tối đa 5 năm; Mức vốn hỗ trợ cho mỗi dự án tối đa là 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ đối với các khoản vay không bị quá hạn (với cả gốc và lãi).
>> Trong Dự thảo này, các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện gồm: Có dự án nuôi trồng thủy sản tại vùng nông thôn và quy mô diện tích nuôi tối thiểu từ 5 ha trở lên. Cùng đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của dự án nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án.
Bảo Hân