Đẩy mạnh cấp mã số cơ sở nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2023, ngành tôm đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, do các tác động như cạnh tranh của thị trường, dịch bệnh, thời tiết… Để nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, hạn chế rủi ro, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo đẩy mạnh việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm, nhằm xây dựng vững chắc nền tảng ngành kinh tế rất quan trọng này và các địa phương đang tập trung triển khai với nhiều giải pháp cụ thể.

Bạc Liêu – Trung tâm công nghiệp tôm cả nước

Mấy năm nay, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước về giống, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, tthương mại. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản, đến cuối tháng 2/2023, kết quả cấp mã số cơ sở nuôi mới đạt được là 3.484 cơ sở, dù đã gấp 5 lần so năm 2021 nhưng mới chiếm 7% số cơ sở cần phải cấp. Tổng diện tích đã cấp mã số chỉ 6.624,43 ha với 9.403 ao nuôi.

Chi cục Thủy sản Bạc Liêu đánh giá nguyên nhân hạn chế do trong quá trình triển khai, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi đến người dân còn chậm. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người nuôi chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực và đây là loại thủ tục hành chính mới người nuôi tôm còn khá lúng túng khi chuẩn bị hồ sơ. Ngoài ra, còn liên quan đến tình trạng các cơ sở nuôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ, không có hợp đồng thuê đất dài hạn. Vì vậy, người dân gặp khó khăn khi thiết lập hồ sơ đăng ký nuôi. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm nước lợ chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng cũng như quyền lợi (do người nuôi tôm thấy giá tôm thương phẩm không khác biệt) của việc đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi.

Để tháo gỡ khó khăn, ngày 27/2/2023, Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 208/SNN-CCTS, nhằm chủ động phối hợp với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tạo chuyển biến tích cực về cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Phấn đấu đến hết năm 2023, có 100% các công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và 100% HTX, tổ hợp tác nuôi được cấp mã số cơ sở nuôi. Để đạt mục tiêu trên, cần trú trọng các giải pháp: Trước mắt tập trung triển khai đăng ký với mô hình siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Các địa phương hỗ trợ cơ sở nuôi. Các doanh nghiệp, người nuôi tôm chủ động liên hệ với chính quyền địa phương (cấp xã, cấp huyện…) để được hướng dẫn thiết lập hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp mã số theo quy định.

Tỉnh Bạc Liêu xác định, đây là một loại thủ tục hành chính bắt buộc cho nên, nếu như các tổ chức, cá nhân không thực hiện có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 1, điều 17, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Kiên Giang rà soát hàng chục nghìn hộ nuôi tôm

Kiên Giang vừa rà soát, có hơn 42.900 cơ sở, hộ gia đình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm – lúa và tôm quảng canh cải tiến; trong đó, các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình thuộc diện phải đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi gần 34.700 cơ sở.

Ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, gần đây công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ được đẩy nhanh tiến độ. Chỉ trong 1 tháng, cấp gần 2.100 giấy xác nhận mã số nhận diện vùng nuôi. Lũy kế đến hết tháng 1/2023, toàn tỉnh đã cấp được gần 27.400 giấy xác nhận, đạt gần 79% so kế hoạch và chiếm hơn 10% mã số đã được cấp so cả nước.

Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục và hoàn chỉnh hồ sơ cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ gửi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ngành nông nghiệp đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn trong công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ tại các huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn.

Công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có sự đồng thuận cao của người dân. Là hộ nông dân đã thực hiện chuyển đổi theo mô hình nuôi luân canh tôm – lúa hơn hai mươi năm, ông Lê Thanh Tuấn (ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh) cho biết, lúc đầu người dân cũng chưa hiểu việc cấp mã số là gì. Khi được cán bộ Phòng NN&PTNT và cán bộ nông nghiệp xã đến tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thi người dân tuân thủ và đồng tình thực hiện. Ông Tuấn cười: “Tôi thấy đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích rất thiết thực cho người dân”.

Bến Tre phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao

Ngày 4/5/2023, tại huyện Bình Đại, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô 300 ha huyện Bình Đại”. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội cho biết, việc phát triển nuôi tôm hiện gặp nhiều khó khăn do hạ tầng thủy lợi nhiều nơi chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Hạn chế cả việc cấp mã số cơ sở nuôi.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị Sở NN&PTNT tập trung tham mưu thực hiện phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Đây sẽ là vùng nuôi tôm được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, các cơ sở nuôi có mã số xác nhận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, góp phần xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.

>> Chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, đối với các đơn vị thuộc Bộ, thường xuyên theo dõi, đôn đốc địa phương đẩy mạnh thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Các địa phương ven biển thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2023, đẩy mạnh triển khai thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi theo quy định. Các doanh nghiệp, người nuôi khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực để được cấp mã số cơ sở nuôi tôm.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!