(TSVN) – Trong 2 ngày 25 – 26/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thành viên EU tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam – EU 2022. Qua đó, thúc đẩy tìm kiếm đối tác, kết nối cơ hội kinh doanh và củng cố giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và thị trường EU.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: “Trong nhiều năm qua, EU luôn được biết đến là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Sau chiến dịch tiêm phòng COVID-19 và gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2021, nhu cầu thủy sản tại thị trường EU đã hồi phục rõ rệt, cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang thị trường này”.
Thông tin tại Hội nghị, trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021. Đối với thị trường EU, sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút thì trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Tôm là mặt hàng lớn thứ 2 xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: CTV
Ông Lê Hoàng Tài kỳ vọng qua Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng sản phẩm cho ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về thị trường EU, nhu cầu hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam với các nước trong khu vực EU để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành thuỷ sản.
Bà Lê Hoàng Thuý, Tham tán thương mại tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Latvia, cũng chia sẻ mặc dù Bắc Âu có mức tiêu thụ tính bình quân trên đầu người cao nhưng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này không đáng kể. Tuy nhiên, nếu không tính nhập khẩu nội khối thì Việt Nam xuất khẩu sang EU chỉ sau Trung Quốc.
Hiện tại, Việt Nam không có đối thủ xuất khẩu cá tra sang Bắc Âu nhưng kim ngạch vẫn thấp do đây là thị trường nhỏ, địa lý xa xôi. Bởi vậy, đa phần đều nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các thị trường khác như Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp. Đối với mặt hàng tôm, đây là thuỷ sản chủ lực của Việt Nam sang Bắc Âu và lớn thứ 2 sang EU.
Ngoài ra, tính bền vững của thủy sản cũng là một xu hướng đang phát triển ở EU và đang dần được đưa vào các hệ thống quản lý trong tương lai. Điều này có nghĩa là theo thời gian, EU sẽ thắt chặt hơn việc sử dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường đối với thủy sản nhập khẩu vào EU.
Để xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung đạt hiệu quả cao, bà Lê Hoàng Thuý khuyến nghị doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung. Cùng đó, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.
Về cơ hội cũng như tiềm năng xuất khẩu thuỷ sản sang EU, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết, EU là thị trường lớn với nhiều phân khúc thị trường và sản phẩm, thuận lợi cho việc xuất khẩu các loài và các dạng sản phẩm của Việt Nam.
Hơn nữa, người châu Âu ngày càng ưa chuộng sản phẩm cá thịt trắng vì yếu tố sức khỏe, trong khi ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản ngày càng cao nên cơ hội cho cá nuôi xuất khẩu càng lớn.
Đặc biệt, doanh số bán thuỷ sản đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và EU cũng là thị trường đang phát triển các sản phẩm tiện lợi và ăn liền. Bên cạnh đó, EVFTA tạo ra lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác và Brexit có tác động với thị trường thuỷ sản EU cũng là cơ hội cho Việt Nam. Mặt khác, xung đột giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt với thuỷ sản Nga là cơ hội giành thị phần cá thịt trắng tại EU.
Trong năm đầu thực thi EVFTA, Việt Nam có 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất tại EU bao gồm Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy và Pháp, tổng cộng chiếm 72%. Xuất khẩu tất cả các sản phẩm chính sang EU đều tăng trưởng dương, trừ cá tra.
Linh Nguyễn