Đẩy mạnh kết nối cung cầu, đảm bảo tương lai bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu không chỉ là cách để thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là một hướng đi cần thiết để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững cho tương lai. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đã triển khai hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn, bền vững.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, trong 10 tháng năm 2023, đơn vị đã triển khai các kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả, sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 48.000 tấn, chủ yếu là các mặt hàng: hàu ruột ướp đá, mực ống làm sạch cắt miếng đông lạnh; sâu đất, hải sâm… Các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc, trong đó chủ yếu là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP (chiếm 70%) và được các thị trường đón nhận, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Sản phẩm thủy sản tươi sống được giới thiệu tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Tại TP Hồ Chí Minh, việc kết nối cung – cầu hàng hóa; hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố; phiên chợ nông sản… là những hoạt động hiệu quả được tổ chức nhiều năm liền, nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản, giúp nông dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Để kết nối sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước, những năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố và hỗ trợ doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị, các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thông qua các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần cho các doanh nghiệp chuyển dần sang cách tiếp cận mới về thị trường như: nhận thức cách làm nhãn hiệu, đóng gói bao bì, nắm bắt thị hiếu và xu hướng tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm để có chỗ đứng và cạnh tranh trên thị trường.

Theo chia sẻ của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế vốn có của mình, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định và kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường trong nước và quốc tế. Tìm hiểu, khai thác thị trường, tùy theo năng lực khả năng đáp ứng tài chính để chọn kênh phân phối phù hợp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết, về vấn đề hợp tác quốc tế, Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU… Trong đó, tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới. Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hợp tác, liên kết tạo chuỗi cung ứng, ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!