Việc tăng cường tính bền vững trong ngành thức ăn nuôi trồng thủy sản ngày càng được đề cao.
Quan điểm này đã được trình bày trong bài Tổng quan về tính bền vững hàng năm của Tổ chức Đối tác Thủy sản Bền vững SFP về các nguồn lợi thủy sản sử dụng làm bột cá và dầu cá trong năm 2017. Bản Tổng quan bao gồm 20 nguồn lợi thủy sản quan trọng nhất được sử dụng để sản xuất bột cá và dầu cá nhưng không bao gồm các nguồn lợi thủy sản phục vụ sản xuất bột cá và dầu cá ở châu Á do số liệu sẵn có hạn chế.
Các nguồn lợi thủy sản được đánh giá dựa trên tính bền vững được trình bày trên website www.fishsource.org và sử dụng số liệu được công bố vào tháng 8/2017.
Báo cáo bao gồm 20 trữ lượng loài được phân tích trong năm 2017:
– Ngành sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh cải tiến thông qua các dự án hỗ trợ cải thiện nghề cá. Ngành bột cá và dầu cá cũng đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc thúc đẩy việc quản lý có trách nhiệm hơn về các nguồn lợi thủy sản sử dụng làm bột cá và dầu cá.
– 81% tổng sản lượng đánh bắt trong phân tích này là từ các nguồn lợi thủy sản được quản lý tốt hoặc tốt hơn – thuộc các nhóm A + B1 + B2 (tức là có từ 6 hoặc trên tất cả 5 tiêu chí FishSource). So với tỷ lệ 57,4% năm ngoái thì đây là một bước tiến rất lớn.
– 2,2% tổng sản lượng khai thác các nguồn lợi thủy sản sử dụng làm bột cá và dầu cá trong phân tích này đến từ các nguồn lợi thủy sản nằm trong điều kiện rất tốt (loại A).
– 17% (1,7 triệu tấn) tổng sản lượng đánh bắt phục vụ sản xuất bột cá và dầu cá từ các nghề cá quản lý kém (loại C), giảm đáng kể so với 42,6% trong năm 2016.
– Trong số 20 nguồn lợi thủy sản được phân tích trong bản báo cáo tổng quan này, có 10 nguồn lợi đã tham gia chương trình của Hội đồng Quản lý Biển, 19 nguồn lợi thủy sản được cấp giấy chứng nhận Nguồn gốc Trách nhiệm (Responsible Sourcing) của Tổ chức Bột cá và Dầu cá Quốc tế IFFO và 3 nguồn lợi thủy sản tham gia các dự án cải thiện nghề cá (FIPs) đang tiến triển tốt. Theo các số liệu ước tính sẵn có, hơn 70% sản lượng được đề cập trong báo cáo tổng quan này là từ các nghề cá được chứng nhận MSC hoặc đánh giá đầy đủ (25%), hoặc trong một FIP đang có tiến bộ tốt (44%).
– Đã có những dự án cải thiện nghề cá quan trọng được đưa ra trong năm qua đối với các nguồn lợi thủy sản sử dụng làm bột cá và dầu cá, đặc biệt đối với cá cơm Peru (nguồn lợi ở trung tâm phía Bắc) và các loài cá biển nhỏ Mauritania.
– Tình hình ở châu Á vẫn còn chưa có dấu hiệu tích cực. Một lượng lớn bột cá ở khu vực Châu Á xuất phát từ các nghề đánh bắt cá hỗn hợp sử dụng lưới kéo. Những nghề cá này được ghi chép và quản lý kém. Ngành thủy sản cần đóng vai trò hỗ trợ các dự án cải thiện nghề cá trong khu vực này để đảm bảo tất cả sản lượng bột cá và dầu cá đều có nguồn gốc từ các nghề cá được quản lý bền vững.
Bình luận về bản báo cáo này, ông Blake Lee-Harwood, Giám đốc Chiến lược của Tổ chức đối tác Thủy sản Bền vững, cho biết, báo cáo này cho thấy sự cải thiện thực sự trong quản lý các nguồn lợi thủy sản phục vụ sản xuất bột cá và dầu cá và là một minh chứng rõ ràng rằng ngành bột cá và dầu cá đang có xu hướng rất tích cực hướng tới sự bền vững. Tuy nhiên vẫn còn một thách thức lớn ở châu Á nhưng với sự hỗ trợ của ngành thủy sản và Chính phủ, chúng ta có thể hy vọng sẽ có những cải thiện tương tự.
Trygve Berg Lea, Giám đốc Quản lý Tính bền vững tại Skretting Group, cho biết công ty hướng tới phát triển chuỗi cung ứng có trách nhiệm và liên tục cải tiến. Đối với bột cá và dầu cá, Skretting hoạt động theo hướng đảm bảo nguồn cung đáp ứng các yêu cầu của Quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của FAO.