(TSVN) – Mới đây Hội nghị Phổ biến cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP) đã được Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, việc cập nhật và phổ biến các quy định về SPS đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân là đặc biệt quan trọng.
Cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật và ATTP để đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới; Ảnh: PTC
Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, nông nghiệp Hà Nội còn đối mặt với những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập. Hàng hóa nông, lâm, thủy sản có xu thế đối mặt với nhiều rào cản thương mại được các nước nhập khẩu đặt ra để bảo hộ sản xuất trong nước. Các yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc bảo vệ môi trường. Trên cơ sở tiềm năng thị trường nông sản, Sở NN&PTNT đề xuất đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu sản phẩm chất lượng, minh bạch, trách nhiệm, giải quyết tốt các rào cản kỹ thuật, thực thi đầy đủ quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, tạo dựng thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia.
Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, Việt Nam đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại song phương và đa phương; trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán. Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về SPS mà Việt Nam phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Riêng, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand với nhiều cam kết; trong đó có cam kết về SPS mà Việt Nam tham gia. Trong đó, Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc đã ban hành các quy định về ATTP và kiểm dịch động thực vật đối với từng ngành hàng.
Ông Lò Xuân Quyết, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc cho biết, Việt Nam thuộc top 10 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giá trị nông sản Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này. Trung Quốc ngày càng coi trọng và lấy tiêu dùng nội địa là động lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, lấy tiêu dùng bù đắp cho xuất khẩu. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ông Quyết khuyến cáo, doanh nghiệp Việt cần phát huy lợi thế vị trí địa lý; giá thành sản xuất, vận tải; các sản phẩm nhiệt đới… để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu lớn của thị trường Trung Quốc. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp nên có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu. Hàng Việt cần sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Được biết, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh ATTP và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”. Đề án nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các FTAs thế hệ mới trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế; xây dựng các biện pháp SPS phù hợp với cam kết để bảo vệ sức khỏe con người và động thực, vật trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất, nhập khẩu; Tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của các nước thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.
Vân Anh