(TSVN) – Một nhóm nghiên cứu của Đại học Saskatchewan (USask) đang hợp tác với một loạt các nhóm ngành để thành lập một cơ sở “duy nhất trên toàn cầu” nhằm phát triển và thử nghiệm các protein có nguồn gốc từ thực vật và côn trùng để thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản.
Trong số 20 nhóm công nghiệp, chính phủ, học thuật và thương mại hỗ trợ dự án có BioMar, Evonik và InnovaSea. TS. Lynn Weber, Giáo sư khoa học y sinh thú y tại USask và đồng lãnh đạo dự án, cho biết: “Protein cho đến nay là thành phần số 1 quyết định tốc độ tăng trưởng của cá. Đây là chi phí số 1 trong thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi là chi phí số 1 trong nuôi trồng thủy sản”.
Bột cá được chế biến từ việc nghiền nhỏ các loài cá được coi là không phù hợp cho con người hoặc từ các phần phụ của quá trình chế biến cá. Để giảm chi phí, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tìm đến protein đậu nành như một giải pháp thay thế, nhưng nhu cầu làm thực phẩm cho con người đã khiến đậu nành trở nên đắt đỏ. Vấn đề khó khăn hơn là đậu nành có chứa các hợp chất kháng dinh dưỡng làm hỏng ruột cá trừ khi đậu được chế biến để loại bỏ các yếu tố có hại.
Cơ sở mới để nghiên cứu thành phần protein có nguồn gốc từ thực vật hoặc côn trùng thay thế cho bột cá. Ảnh: All about feed
Theo bà Weber, các thành phần như đậu fava và đậu Hà Lan sẽ cung cấp một nguồn thay thế protein tốt hơn. Bà đã thực hiện nghiên cứu với các đồng nghiệp về việc sử dụng các phương pháp chế biến mới như lên men bằng nấm men, để loại bỏ các yếu tố kháng dinh dưỡng từ cây họ đậu. Nghiên cứu của một số thành viên trong nhóm sử dụng protein côn trùng có nguồn gốc từ các nguồn như ấu trùng ruồi cũng có triển vọng.
USask, nằm ở trung tâm của một tỉnh sản xuất rất nhiều đậu Hà Lan, đậu fava và các thành phần thức ăn chăn nuôi tiềm năng khác, được trang bị độc đáo để tổ chức Cơ sở Thử nghiệm Aquafeed, bà Weber cho biết.
Trường có các chuyên gia đẳng cấp thế giới về phát triển và chế biến thành phần thức ăn chăn nuôi, cùng với các nhà khoa học hàng đầu về chất độc học, nghiên cứu môi trường, trí tuệ nhân tạo (AI), sinh lý động vật, dinh dưỡng và khoa học hành vi. “Cơ sở thử nghiệm sẽ có một số khía cạnh nghiên cứu cơ bản liên quan đến dinh dưỡng, chất độc sinh thái và AI, nhưng về cơ bản nó sẽ là một cơ sở hợp đồng, nơi chúng tôi hy vọng sẽ thu hút các đối tác trong ngành và tính phí để phát triển các thành phần thức ăn mới và thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Các công ty hiện nay đủ để hỗ trợ trực tiếp cho dự án, nhưng một khi chúng tôi thiết lập cơ sở và thông tin được đưa ra, tôi dự đoán nơi đây sẽ nhanh chóng phát triển để trở thành địa điểm đáng chú ý trên toàn cầu”, bà nói.
Bà cho biết, hệ thống bể cá chảy qua ở trung tâm chất độc hiện tại sẽ được thay thế bằng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn với bộ lọc sinh học lớn sẽ cắt giảm 90% lượng nước sử dụng.
Mỗi bể trong số 30 bể thử nghiệm thức ăn mới sẽ có khả năng chứa 20 con cá cỡ thương phẩm trở lên như cá hồi và cá rô phi, và sẽ được trang bị cảm biến chất lượng nước liên tục và camera trong bể để theo dõi chặt chẽ tỷ lệ cho ăn, phản ứng với thành phần thức ăn, hành vi và tốc độ tăng trưởng, sử dụng công nghệ AI. Phần còn lại của cơ sở sẽ có các bể khác, lớn hơn để chứa cá chưa được thử nghiệm.
Anh Anh
Theo Thefishsite