(TSVN) – Theo dự báo của FAO, nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thế giới tăng bình quân 1,5 – 3%/năm trong giai đoạn 2019 – 2028, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện hoạt động giao thương hàng nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn, cấp bách cần giải pháp tháo gỡ.
Bộ NN&PTNT nhận định nguy cơ thiếu hụt lương thực những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Bởi, dù sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu song vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ; nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng…
Báo cáo của nhiều địa phương, hiệp hội cũng cho hay, tác động của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Kiến nghị cần sớm tháo gỡ những nút thắt mà doanh nghiệp phải đối mặt như tiếp cận tín dụng, chính sách thuế, kiểm tra chuyên ngành, chi phí tăng cao…
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu bắt đầu từ tháng 8 do ách tắc ở tất cả các khâu từ thu hoạch đến vận chuyển, chế biến, xuất khẩu. Ở đây, nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng trên vẫn rất lớn, cần tháo gỡ ngay, nhất là ách tắc trong khâu vận chuyển. Ngoài ra, với một số thị trường trọng điểm của nông sản Việt Nam như Trung Quốc, việc xuất khẩu vào thị trường này thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề như: doanh nghiệp, thương lái Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào các chợ, buôn bán không hợp đồng nên các quy ước quốc tế không có hiệu quả. Trong khi, doanh nghiệp Thái Lan mượn cửa khẩu Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc rất nhiều, rất thuận lợi theo đường chính ngạch. Doanh nghiệp Việt Nam nếu vẫn chậm trong việc chuyển sang xuất khẩu kênh chính ngạch thì tình trạng ách tắc, ùn ứ nông sản trong thông quan vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo Tổng cục Thống kê, tuy vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong 8 tháng năm 2021, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo từ nay đến cuối năm, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, vận chuyển, hàng hóa và tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất cũng như chế biến nông sản xuất khẩu. Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tăng chi phí để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó là tình trạng khan hiếm container, cước vận chuyển hàng xuất khẩu không ngừng tăng lên. Chi phí vận chuyển đến các thị trường như Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2 – 3 lần trong năm qua và đang tiếp tục tăng mạnh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, theo các chuyên gia, Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, nhu cầu thị trường; hạn chế tối đa thiệt hại bởi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, qua đó bảo đảm nguồn cung nông sản ổn định. Đồng thời, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa cũng như cước phí lưu thông, kho bãi. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Triển khai chính sách ưu đãi lãi vay vốn đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 6802/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ những phân tích, đánh giá về tiềm năng, triển vọng thị trường xuất khẩu của Bộ Công thương và theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn để khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới; khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản, lâm sản và thủy sản. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ NN&PTNT và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản và xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19 của các địa phương.