Ngành cá tra cần khẩn trương tái cấu trúc toàn diện, từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu.
Không thể chậm trễ
Ngành cá tra phát triển mạnh trong vòng 10 năm lại đây với công suất chế biến 2,5 triệu tấn, trong khi sản lượng cá nguyên liệu hằng năm chỉ đạt 1,2 triệu tấn. Từ năm 2012 đến nay, cá tra vẫn trong tình trạng “bí bách” khi người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ hoặc “treo ao”, doanh nghiệp (DN) hoạt động cầm chừng, diện tích nuôi cá tra giảm… do giá cá tra ĐBSCL xuống thấp.
Hiện, ĐBSCL có hơn 64 công ty chế biến, 72 công ty thương mại hoạt động liên quan chế biến xuất khẩu cá tra, song trong đó khoảng 20 công ty đang hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ. Cả nước có trên 400 DN xuất khẩu cá tra nhưng chỉ có 50 – 70 nhà máy chế biến tại ĐBSCL; có gần 140 DN tham gia xuất khẩu cá tra (trong đó có 64 công ty chế biến và 72 công ty thương mại) đã dẫn đến tình trạng tranh giành mua bán, gây hiện tượng phá giá, mất uy tín mặt hàng xuất khẩu này.
Quý I/2013, sản lượng cá nuôi đạt 100.000 – 150.000 tấn, giảm 30 – 50% so cùng kỳ năm 2012. Tại tỉnh Đồng Tháp, diện tích cá tra chỉ duy trì khoảng 18.000 ha (kế hoạch là 20.000 ha). Tại tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra cuối năm 2012 so với năm 2011 chưa bằng 85%.
Ông Thái An Lai – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho biết: Đây là thời điểm phù hợp tiến hành tái cấu trúc ngành, vì yêu cầu của các thị trường về chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Hơn nữa, sau kết luận của Bộ Thương mại Mỹ về đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh Việt Nam xuất sang thị trường này, tất cả phải thẳng thắn nhìn lại chính mình, cũng là lúc phải thay đổi lại, trong đó tái cấu trúc là việc cần làm.
Đã đến lúc ngành cá tra cần được “thanh lọc” toàn diện – Ảnh: Huy Hùng
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, cá tra bây giờ không còn hấp dẫn so với trước do cả chủ quan lẫn khách quan, nên phải tái cấu trúc ngành để phát huy được thế mạnh loài xuất khẩu chủ lực.
Giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản tại An Giang có lý khi cho rằng việc quan trọng cần làm hiện nay là quy hoạch vùng nuôi, hướng đến cấp phép sản lượng cho từng địa phương, đánh số ao…; mặt khác, cần sớm có văn bản pháp quy về quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra, xác định đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Cần mạnh tay
Ông Thái An Lai đề nghị, muốn tái cấu trúc ngành cá tra cần cân đối thị trường, trên cơ sở sắp xếp hệ thống cơ sở nuôi và chế biến phù hợp. Đặc biệt, Nhà nước cần sắp xếp, thống kê, đánh giá lại năng lực sản xuất của các cơ sở nuôi, nhà máy chế biến trên cơ sở quy hoạch diện tích nuôi phù hợp. DN nào đủ điều kiện sẽ tiếp tục sản xuất, nếu không đủ điều kiện thì giải thể; tham gia sản xuất phải tuân theo cam kết của các DN trong tổ chức xuất khẩu thủy sản Việt Nam, không cạnh tranh “bẩn”.
Cùng đó, theo ông Trương Đình Hòe, tái cấu trúc ngành cá tra phải gắn vùng nguyên liệu với thị trường; nhà máy chế biến xuất khẩu cần có vùng nguyên liệu riêng và sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu thị trường. Sản phẩm nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng tới đạt chất lượng quốc tế ASC, đi liền việc xác nhận vùng nuôi có trách nhiệm với môi trường. Nhà nước cần rà soát tổng thể và triển khai tới các địa phương. Ngành nông nghiệp phải tuân thủ các quy định và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đó.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng năm 2013 sẽ là cơ hội để các DN tập trung hoàn thiện việc điều hòa vốn, tái sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận, phù hợp khả năng tài chính, đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường khó tính. Năm 2013, Bộ không khuyến khích ngành cá tra tăng sản lượng mà điều tiết sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm; khuyến khích ký hợp đồng liên kết vùng nuôi như gia công, hợp đồng tiêu thụ cá theo hình thức ứng vốn hoặc thức ăn với các DN có vùng nuôi, những hộ nuôi nhiều.
Trong khi trông chờ giải pháp quyết liệt từ Nhà nước, các DN vẫn phải chủ động đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho mình, để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.
Dự thảo đề án tái cấu trúc đã có từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn là dự thảo. Nhiều hội thảo chuyên đề, nhiều chuyến đi học tập kinh nghiệm nước ngoài đã được tổ chức, nhưng cá tra hiện vẫn chưa có thương hiệu trên và luôn bị “chụp mũ” từ hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng nên. |