Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Hải Phòng được chọn để triển khai thực hiện lập quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn. Địa phương đang tích cực triển khai việc xây dựng này.
Cần thiết
TP Hải Phòng có đường bờ biển 126 km, khoảng 4.000 km2 mặt biển, 366 đảo lớn (đảo Bạch Long Vỹ cách đất liền khoảng 130 km). Vùng biển Hải Phòng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, 5 cửa sông lớn đổ ra biển. Hải Phòng có cảng biển quốc tế lớn, hệ thống cảng Hải Phòng có chiều dài trên 42 km, với 34 cảng, 69 cầu cảng; nghề đánh bắt, khai thác, dịch vụ thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến… phát triển mạnh. Hiện, thành phố có trên 7.000 tàu thuyền; trong đó 3.376 tàu đánh cá, dịch vụ thủy sản (gần 20.000 lao động), 1.421 tàu công suất trên 20 CV (555 tàu khai thác xa bờ, 90 CV trở lên).
Tàu cá neo đậu ở đảo Cát Bà – Ảnh: Hải Đăng
Theo đánh giá, việc xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ tại Hải Phòng sẽ mang tính đột phá trong định hướng phát triển thủy sản; là động lực thu hút đầu tư tăng trưởng thủy sản của các tỉnh, thành phố phía Bắc; tạo nền tảng cho bước phát triển từ nghề cá nhỏ, manh mún và mang tính tự phát sang nghề cá với hướng phát triển công nghiệp, thương mại, phát triển toàn diện, hiệu quả bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, việc hỗ trợ khai thác, thu mua, chế biến và phân phối xuất khẩu nguyên liệu, thành phẩm thủy sản cho các nhà máy chế biến và thị trường trong, ngoài nước; góp phần phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Bảy tháng đầu năm, giá trị sản xuất thủy sản của Hải Phòng đạt 2.259 tỷ đồng; trong đó, khai thác chiếm 914,4 tỷ đồng, bằng 104% cùng kỳ 2014; tổng sản lượng khai thác gần 68.000 tấn.
Chỉ đạo thực hiện
Theo kế hoạch, việc xây dựng mới Trung tâm Nghề cá đặt trên diện tích 83,5 ha, gồm nhiều hạng mục: cảng cá quốc tế; trung tâm điều hành; khu chợ thủy sản đầu mối, đấu giá thủy sản; khu sản xuất, chế biến thủy sản; trung tâm thương mại, hội trợ triển lãm hàng thủy sản trong nước và quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật (khu quảng trường, công viên cây xanh; hệ thống giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện, xử lý nước thải…); dịch vụ cung cấp nước ngọt, nước đá, đá; nhà máy sản xuất đá, nước ngọt; cung ứng xăng dầu; khu cung cấp lương thực, thực thẩm, ngư cụ; dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khu sinh hoạt dịch vụ cho thuyền viên, ngư dân; khu sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ của ngư dân.
Bộ NN&PTNT cùng Tổng cục Thủy sản và UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND huyện Thủy Nguyên tham mưu, đề xuất địa điểm để bố trí xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn. Văn bản đồng ý chọn địa điểm xây dựng tại ngã ba sông Bạch Đằng, sông Ruột Lợn (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên); văn bản đề nghị Chính phủ cho Thành phố được lập quy hoạch, dự án, chọn tư vấn đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp cảng cá và khu neo đậu tàu Bạch Long Vỹ thành cảng cá loại I và khu neo đậu tránh trú bão Bạch Long Vỹ theo tiêu chí trở thành Trung tâm hậu cần Nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía bắc.
>> Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cả nước sẽ xây dựng 6 Trung tâm Nghề cá lớn, trong đó 5 trung tâm gắn với ngư trường trọng điểm. |