Người nuôi tôm sú và nuôi nghêu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đang “nháo nhào” vì tôm, nghêu đồng loạt chết do dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thời tiết.
Khai tử hơn 1.000 ha tôm
Ông Lê Văn Sự, ở ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nói trong thất vọng: “Tôm thả nuôi chết sạch rồi, thả ít thì chết ít, thả nhiều thì chết nhiều. Bốn ao thả nuôi 5.000.000 con giống được 21 ngày thì chết sạch. Hơn 60 triệu đồng đầu tư vào 4 ao tôm đã tan theo nước mặn. Năm nay, tôm chết rất bất thường, dù con giống phải ra tận Phan Rang đặt hàng, sau đó đem tôm về Viện Nuôi trồng thủy sản 2 xét nghiệm đạt chất lượng mới mang về thả nuôi, nhưng không hiểu sao tôm vẫn chết”.
Ông Sự cho biết: Hiện tại, trong số 10 người thả nuôi mà ông quen đã có đến 9 người bị thiệt hại. Khổ nhất là những người năm 2010 hết vốn nuôi tôm nên cho mướn đất, năm nay thấy tôm có giá, không cho mướn nữa mà đầu tư vốn nuôi tôm. Bây giờ, tiếp tục ôm nợ và tiếp tục kêu cho mướn đất với giá 1 – 1,2 triệu đồng/1.000 m2, nhưng lại ít người thuê. Tôm chết, nhiều gia đình đã chọn phương án ra thành làm mướn sinh sống.
Ngồi ngay điểm thu mua tôm của bà Ngô Thị Nữa, ở ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên mà sót cùng nhiều người dân có tôm chết. Thả tôm với số lượng từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn con giống và sau 1 – 2 tháng thả nuôi thì tôm chết và chỉ bắt “mót” một vài kilôgam tép hen đi bán. Nhìn cái cảnh người dân đi bán tôm nuôi mà bỏ trong bịch đựng rau cải mà thấy chạnh lòng. Chị Trần Thị Ngọc Giàu buồn bã: “Vợ chồng ra ở riêng, cha mẹ cho 2,5 công đất nuôi tôm, chạy vay tiền thả nuôi 35.000 con giống, sau gần 2 tháng nuôi tốn hết 14 triệu đồng, nay tôm chết hết, không biết làm sao trả nợ”.
Qua ghi nhận thực tế tại các xã Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố… huyện Mỹ Xuyên thì hầu hết những hộ thả tôm giống từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3 đều bị thiệt hại từ 80 – 100%. Ông Võ Văn Chồi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, cho biết: Lịch thời vụ thả nuôi từ ngày 1-3-2011 và theo đó đã có 443 hộ thả giống được 448/2.100 ha. Đến nay, toàn xã đã có 92 hộ bị thiệt hại nặng. Nếu như trước đây, tôm chết do bệnh đốm trắng, đỏ thân… còn năm nay thì có người bảo tôm bị bệnh teo gan, bởi vì con tôm khi chết vẫn còn tươi nhưng gan nhỏ lại. Các kỹ sư thuộc các công ty thức ăn thủy sản cho hay đây là loại bệnh chưa có cách phòng trị.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, đến nay nông dân các huyện đã thả nuôi được 14.000 ha tôm, trong đó có hơn 1.100 ha tôm chết. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho biết: Kết quả kiểm tra bước đầu, tôm chết do thời tiết thay đổi quá đột ngột, ngày nắng nóng, đêm lạnh, mưa trái mùa thường xuyên và kéo dài đã làm môi trường đảo lộn gây bất lợi cho con tôm. Không chỉ tôm nuôi chết, mà nhiều trại sản xuất giống cũng bị thiệt hại do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường. Để kịp thời khống chế và dập dịch, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã cung cấp miễn phí hóa chất để người dân diệt mầm bệnh, không được xả nước thải ra kênh khi chưa xử lý. Những diện tích có tôm chết phải vệ sinh sạch sẽ, không thả giống ngay, cần xử lý ao kỹ và chờ sang tháng 4 thời tiết thuận lợi thì nuôi lại.
Người nuôi tôm ở Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang… cũng đang nháo nhào trước nạn tôm chết. Tại Trà Vinh, đã có 930 hộ dân ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú thả nuôi trên diện tích khoảng 1.110 ha, giai đoạn từ 30 – 45 ngày tuổi bị chết vì bệnh đỏ thân. Trước viễn cảnh này, ngành nông nghiệp Trà Vinh đang tổ chức lấy mẫu gởi xét nghiệm, quan trắc môi trường nước và hướng dẫn người dân các biện pháp quản lý môi trường, xử lý nước ao nuôi…
Bãi nghêu vắng chủ
Suốt dọc vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, sân nuôi nghêu rộng hơn 1.200 ha vắng lặng, chỉ có những chiếc chòi canh nghêu đứng chơ vơ cùng biển nước đục ngầu. Ông Hai Rum, chủ 13 ha bãi nghêu ở khu vực cồn Ông Mão, than thở: “Nghêu đang chết ồ ạt mà chưa tới lứa thu hoạch, nên biển vắng hoe. Của biển đã trả về cho biển hết rồi”.
Ông Hai Rum ước tính, đến ngày 5-4-2011 đã có hơn 40% số nghêu thả nuôi chết và hiện nay đang tiếp tục chết. 1 ha bãi nuôi nghêu phải đầu tư khoảng 500 triệu đồng tiền con giống và các chi phí khác. Năm ngoái, nghêu cũng chết sạch, năm nay gom vốn, vay nợ ngân hàng nuôi lại với hy vọng gỡ gạc thua lỗ, nhưng từ đầu năm 2011 đã phát hiện nghêu chết lai rai, từ đầu tháng 3 đến nay chết càng nhiều, mỗi con nước lớn, ròng là nghêu nhả vỏ chết trắng sân. Sân nghêu của ông Rum chết không thê thảm bằng sân nghêu của ông Phan Văn Hải, ở ấp Chợ nuôi 11 ha, đã chết đến 90% số nghêu thả nuôi. Chung số phận còn có ông Phan Văn Sầy nuôi 6 ha bị chết 80%, ông Nguyễn Văn Chính ở ấp Bà Canh nuôi 2 ha, bị chết 70%. Nạn nhân mới nhất của dịch nghêu chết là ông Trần Văn Chơi, ở ấp Cầu Muống, thả nuôi 4 ha nghêu.
Ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết: Từ đầu năm đến giữa tháng 3-2011, đã có khoảng 160 ha sân nuôi nghêu xảy ra hiện tượng nghêu chết mỗi lúc một nhiều. Đó là con số thống kê được vì hiện nay khắp diện tích 1.200 ha sân nghêu của xã, chỗ nào cũng nghe người dân thông báo nghêu chết. Nơi ít thì 5% – 10%, nơi nhiều 80% – 90% lượng nghêu thả nuôi. Năm nay, chủ sân nghêu Tân Thành tiếp tục lâm cảnh khó khăn, bởi mùa nghêu năm 2010 toàn xã có đến 900 ha sân nghêu bị thiệt hại nặng, hơn 240 tỉ đồng trôi theo nước biển.
Nghêu chết, người nuôi nghêu khánh kiệt đã đành, nhưng hàng ngàn lao động mất công ăn việc làm, các nhà máy chế biến nghêu xuất khẩu đình đốn vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Nghề nuôi nghêu ở Tân Thành tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 người lao động trong xã và các địa phương lân cận, với trên 300.000 ngày công lao động/năm. Ở sân nghêu, người làm dở kiếm được tối thiểu 60.000 đồng/ngày, người làm giỏi hơn 100.000 đồng/ngày.
Theo kinh nghiệm của các chủ sân nghêu, năm nay nghêu chết ồ ạt là do gió chướng mạnh bất thường và kéo dài, nhiệt độ nước và độ mặn cao, nghêu chịu không chịu nổi nên thi nhau chết. Quan trắc độ mặn của nước biển tháng 3 đã lên đến 28 phần ngàn, nhiệt độ nước xấp xỉ 30 độ C, trong khi con nghêu sống tốt và phát triển ổn định ở độ mặn từ 10 – 20 phần ngàn và nhiệt độ nước biển không cao quá 30 độ C. Nghề nuôi nghêu rất lạ, một sân bị chết ồ ạt thì các sân xung quanh không sớm thì muộn cũng sẽ chết theo, như bệnh dịch lây lan vậy – ông Nguyễn Huỳnh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành và cũng là một chủ sân nghêu nói.
Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết: Ngành đã gửi mẫu nghêu chết đến Viện Nghiên cứu thủy sản 2 để xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân, nhưng chưa có kết quả. Đến giờ này, vẫn chưa có thể nói chính xác năm nay nghêu chết ồ ạt vì điều gì. Hiện chúng tôi đang nghi nghêu bị nhiễm bệnh và đã yêu cầu cán bộ thú y, thủy sản xem xét.
Theo khảo sát, nguyên nhân nghêu chết là do mật độ nghêu trên các bãi nuôi quá dày, trong khi nắng nóng gay gắt, nước mặn cao hơn so với năm trước. Đáng chú ý là các cơ quan chuyên môn đã phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn Perkinsus trên các bãi nuôi nghêu, là tác nhân gây bệnh cho nghêu – ông Nguyễn Văn Bụi, Phó trưởng Phòng Khoa học kỹ thuật Sở NN&PTNT Bến Tre, cho biết.
HẠNH PHONG