ĐBSCL: Nuôi tôm nước lợ nên hướng đến mô hình kinh tế hợp tác

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, các tỉnh ven biển ĐBSCL đã tranh thủ mọi nguồn lực để cải tạo, đầu tư hệ thống thuỷ lợi vùng nuôi tôm, xây dựng hệ thống cung ứng tôm giống, đẩy mạnh hướng dẫn khoa học kỹ thuật… Cách làm này đã từng bước nâng cao sản lượng, giá trị tôm nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả nuôi tôm nước lợ chưa bền vững, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát… dễ xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

Qua triển khai thực hiện mô hình kinh tế hợp tác (KTHT) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), ĐBSCL đã vận động thành lập được hơn 1.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp – thủy sản và hơn 30.000 tổ hợp tác (THT). Mô hình KTHT đã từng bước phát huy tác dụng tích cực, vận động được ngày càng nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ tự nguyện tham gia vào các THT và HTX, tạo được sự liên kết trong khâu điều phối nguồn nước, phòng ngừa nguồn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm cho xã viên… Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu liên kết sản xuất trong nuôi tôm ở ĐBSCL.

Hàng năm, ĐBSCL thả nuôi gần 600.000 ha tôm nước lợ, sản lượng đạt trên 800.000 tấn, là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2011, ĐBSCL bị thiệt hại trên 97.691 ha, chiếm 17% diện tích tôm nuôi nước lợ. Đến tháng 6/2012, toàn ĐBSCL đã thả nuôi khoảng 575.721 ha nhưng có 37.233 ha bị thiệt hại, chiếm trên 6% diện tích thả nuôi, một số tỉnh ven biển đông có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất…Nguyên nhân chính là do một số hộ nôn nóng thả nuôi, chưa tuân theo lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật; con giống chưa được kiểm dịch trước khi thả nuôi. Trong cải tạo ao, có hộ còn giữ thói quen sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật gây tồn lưu độc tố, xử lý ao nuôi không đảm bảo yêu cầu, tùy tiện xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường, bơm bùn ra kênh rạch…

Điều đáng quan tâm là các hộ nuôi chưa thật sự xem trọng tính liên kết trong sản xuất, chưa thấy hết vai trò quan trọng của mô hình KTHT nên chưa tự nguyện tham gia HTX, THT; có thói quen nuôi theo thời vụ, thiếu thông tin thị trường đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi trên phạm vi rộng là rất lớn.

Mục đích của HTX là có thể mang đến nhiều nguồn lợi cho nông dân như: giúp nông dân tiêu thụ hàng hoá dễ dàng, có kế hoạch với chi phí giảm, giá cả hợp lý, buôn bán văn minh, tiêu chuẩn hoá sản phẩm ở mức cao, tạo thế cạnh tranh tốt cho nông dân cả khi mua và khi bán hàng hoá; liên kết nông dân sử dụng hết công suất máy móc, chi phí sản xuất thấp; đào tạo năng lực tự quản lý, năng lực áp dụng kỹ thuật tiên tiến cho nông dân, chống chọi lại do biến động của cơ chế thị trường, nhất là khi nước ta đã hội nhập sâu vào thị trường kinh tế thế giới. Thực tiễn phát triển nông nghiệp ở các nước Châu Á đã khẳng định hiệu quả của mô hình KTHT. Do vậy, để giúp các hộ nông dân cải thiện đời sống và phát triển sản xuất, cần phải liên kết các hoạt động đầu ra, đầu vào cho họ dưới hình thức tốt nhất là HTX.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra mô hình hợp tác sản xuất tôm sú ở Trà Vinh

Các nhà quản lý, nhà khoa học đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm mọi biện pháp để đảm bảo thành công cho vụ tôm năm 2012 và những năm tiếp theo. Có nhiều nguyên nhân gây ra thiệt hại tôm ở ĐBSCL như: môi trường bị ô nhiễm, con giống kém chất lượng, ý thức cộng đồng trong việc tuân thủ lịch thời vụ và bảo vệ nguồn nước chưa cao… Tất cả nguyên nhân trên đều có liên quan đến hệ quả của việc phát triển mô hình KTHT trong nuôi tôm.

Thực tế cho thấy, ở ĐBSCL, một số ngành tỉnh và huyện chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT), từ đó còn rất lúng túng trong việc nắm tình hình để chỉ đạo một cách kịp thời, sâu sát khu vực kinh tế này. Một số nơi thiếu quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về HTX và THT; đặc biệt là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, chính sách dồn điền, đổi thửa, tuyên truyền Luật HTX, do vậy sự tác động chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến quần chúng nhân dân chưa nhiều. Từ đó, mô hình KTHT trong lĩnh vực nuôi tôm ở ĐBSCL tăng trưởng thiếu tính ổn định, hiệu quả hoạt động chưa cao; vốn điều lệ sản xuất – kinh doanh và cán bộ quản trị điều hành HTX còn thiếu và yếu; hoạt động của các HTX chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, chưa phát huy vai trò, hiệu quả để đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường… Các tổ nhóm hợp tác dễ thành lập nhưng cũng mau tan vỡ, hiệu quả hoạt động kém; nhiều nơi không nắm được chính xác số liệu tổ nhóm hợp tác, từ đó buông lỏng trong quản lý. Một lý do khác gây ra tình trạng thiếu bền vững của của mô hình này là phần lớn người dân chưa nhận thức sâu sắc được vai trò, ý nghĩa của kinh tế hợp tác, cần phải có sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người dân để mô hình kinh tế hợp tác ngày càng phát triển vững mạnh.

Để ngành nuôi tôm bền vững, cần phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế hợp tác. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục củng cố Ban chỉ đạo đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết, uy tín cơ cấu vào Ban chỉ đạo, khảo sát nắm rõ tình hình hoạt động của HTX và nhất là các HTX, THT trong nuôi tôm, từ đó chỉ đạo các ngành và phối hợp các đoàn thể có liên quan, tùy theo tình hình chất lượng hoạt động thực tế của HTX, THT mà có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho hội viên như: tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ về con giống, vay vốn, phòng chống dịch bệnh, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Quy hoạch lại vùng nuôi bài bản hơn, vì thực tế đã chứng minh, nơi nào có quy hoạch lại vùng nuôi, có hệ thống cấp nước riêng biệt thì nơi đó nuôi tôm ít rủi ro. Trên cơ sở đó, tập trung vận động hộ nuôi nhỏ lẻ vào HTX, THT, khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa, nhằm tăng tính liên kết hộ nuôi, tạo thuận lợi trong triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, quyết tâm khắc phục tình trạng xử lý nước thải ao nuôi không đúng quy trình kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Cán bộ là cái gốc, quyết định thành công mọi công việc; do vậy, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản trị điều hành HTX ngang tầm với nhiệm vụ là hết sức cần thiết, góp phần phát triển mô hình kinh tế hợp tác bền vững. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển KTHT về vốn, thực hiện miễn thuế thu nhập đối với các THT mới thành lập; triển khai đại trà bảo hiểm tôm nuôi; tăng cường vận động người nuôi mạnh dạn tham gia bảo hiểm nuôi tôm; tạo điều kiện để các HTX, THT tích cực tham gia vào loại hình bảo hiểm nông nghiệp để góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra; khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ, giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chế tài ràng buộc đủ mạnh tạo sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và hợp tác xã (hiện nay chỉ dừng lại ở hợp đồng cam kết giữa doanh nghiệp với HTX); đổi mới chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi người dân dồn điền, đổi thửa. Địa phương cần nghiên cứu đổi mới phương thức tuyên truyền để giúp nười dân thay đổi nhận thức, tư duy cách làm ăn mới, tự nguyện tham gia mô hình KTHT trong nuôi tôm, có như vậy mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất mới thực sự phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

>> Tổng diện tích tôm nuôi ở ĐBSCL hàng năm khoảng 602.416 ha, chiếm 91,8% diện tích nuôi tôm cả nước, sản lượng tôm nguyên liệu đạt 368.983 tấn chiếm, 74,4% sản lượng nuôi trồng cả nước, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,8 tỷ USD

Nguyễn Thanh Sơn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!