(TSVN) – Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 429/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.
Mục tiêu, đến năm 2025 triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ sinh học thế hệ mới, tiếp cận và làm chủ công nghệ tạo chế phẩm sinh học trong nông, lâm, thủy sản; làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng; giảm giá thành sản xuất cây giống tối thiểu 30% so với công nghệ truyền thống; phát triển, tăng tối thiểu 20% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học nông nghiệp… Đến năm 2030, làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất; phát triển, tăng tối thiểu 30% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học nông nghiệp…
Về thủy sản, Đề án tập trung lĩnh vực ứng dụng, làm chủ công nghệ phát triển bộ sinh phẩm (KIT) phát hiện nhanh, kiểm dịch, đánh giá chất lượng con giống; công nghệ sinh học thế hệ mới tạo giống chủ lực tích hợp nhiều đặc tính mới, ưu việt, chuyển giao nhân rộng trong sản xuất; phát triển công nghệ sinh sản để cải tiến chất lượng và quy mô đàn giống chủ lực; hình thành cơ sở dữ liệu đối với nguồn gen di truyền bản địa làm cơ sở cho việc bảo tồn, khai thác, phục tráng và phát triển, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với nhóm sản phẩm thủy sản đặc sản của Việt Nam.
Ngoài ra, ứng dụng và làm chủ công nghệ thế hệ mới phát triển phương pháp, bộ sản phẩm phát hiện nhanh, giám định tác nhân gây một số bệnh quan trọng/bệnh mới phát sinh; kiểm soát dư lượng các chất cấm trong thực phẩm có nguồn gốc từ thủy sản; công nghệ tạo chế phẩm nâng cao sức đề kháng, hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của thủy sản; tạo vaccine thế hệ mới phòng bệnh thủy sản; nghiên cứu ứng dụng công nghệ enzym, protein vi sinh vật tạo sản phẩm nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng vật nuôi, nâng cao sức đề kháng đối với các yếu tố sinh học, phi sinh học…