Đang là chính vụ khai thác cá nam, nhưng nhiều tàu cá ở các tỉnh, thành phố ven biển miền bắc và miền trung vẫn “nằm bờ”. Nếu rời bến ra khơi, ngư dân lại nơm nớp nỗi lo lỗ vốn. Nhiều người đã tính chuyện bán tàu, chuyển nghề…
Bán tàu, chuyển nghề
Có mặt tại các trọng điểm làng nghề đánh cá của TP Hải Phòng như: Ngọc Hải (Ðồ Sơn), Ðại Hợp (Kiến Thụy), Lập Lễ (Thủy Nguyên), chúng tôi chứng kiến hàng trăm tàu cá nằm bờ dù đang chính vụ khai thác thủy sản của năm. Bến cá Ngọc Hải (Ðồ Sơn) thật buồn tẻ. Những con tàu đậu nối đuôi nhau san sát nằm im bất động. Anh Trần Văn Hoa, 45 tuổi, ngư dân trên tàu HP 90381 TS cùng mấy người bạn vừa rời tàu lên bờ để đón xe về quê tận Diễn Châu (Nghệ An), buồn rầu cho biết, đang chính vụ sứa, nhưng cả chuyến biển sáu ngày qua, tàu anh chỉ vớt được vài chục con. Anh cùng những người khác trên tàu được trả tiền công 700.000 đồng (công được trả theo tỷ lệ thủy sản khai thác được), tiền xe đi về hết 400.000 đồng, còn lại 300.000 đồng cho vợ con. Nhưng khổ nhất là chủ tàu, chuyến đi biển đối với tàu nhỏ 55 CV như vậy, thì chi phí mỗi ngày hơn một triệu đồng. Sáu ngày chi ngót mười triệu đồng, lỗ vốn là chắc. Anh Hoa cho biết thêm, tàu anh dùng lưới 700 dấu (khoảng 350 m), vậy mà khi kéo lên chỉ vớt được 1-2 con sứa. Ðành chờ con nước đầu tháng 5, chưa biết sẽ ra sao.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngọc Hải (Ðồ Sơn) Trần Quang Hợp cho biết: Thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, toàn phường có 19 tàu lớn vươn khơi thì có 18 tàu hiện đang nằm bờ do số thu mỗi chuyến biển không đủ bù chi phí. 150 tàu khác của ngư dân trong phường đi lộng và hoạt động ven lộng. Trong đó hơn nửa số tàu được bà con đầu tư lớn cho vụ khai thác sứa. 15 cheo lưới mới được mua sắm thêm. Cheo nhỏ, giá cũng ngót 20 triệu đồng, cheo lớn tới 50 triệu đồng. Vậy mà sản lượng sứa thu hoạch tính từ đầu năm đến nay mới được năm tấn, chưa bằng một phần ba sản lượng vụ sứa năm ngoái. Vụ sứa này của ngư dân Ðồ Sơn coi như thất bát. Ngoài sứa, sản lượng hải sản khác đánh bắt được trong quý I của Ðồ Sơn chỉ hơn 1.400 tấn, bằng 86% cùng kỳ.
Ở cảng cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, tình cảnh còn ảm đạm hơn. Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu – tập đoàn khai thác thủy sản lớn nhất của Hải Phòng, cho biết: Liên tập đoàn có 486 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản, công suất 40 CV trở lên, trong đó có hơn 200 tàu chụp mực, hơn một trăm tàu lưới kéo và 36 tàu dịch vụ. Vụ cá bắc vừa qua, hơn 80% số tàu đánh cá nằm bờ, số tàu còn lại hoạt động cầm chừng, chuyến đi, chuyến bỏ do sản lượng đánh bắt được ít, chi phí dầu, vật tư và nhân công tăng cao. Hầu hết các tàu khơi đều thua lỗ. Trong cả vụ cá bắc, sản lượng khai thác thủy sản của Lập Lễ chỉ một nghìn tấn, bằng 20% vụ trước. Bước vào vụ cá nam, toàn bộ tàu ra khơi trong con nước thứ hai (con nước đầu mùa, gần như các tàu nằm bờ), bà con vừa báo về tập đoàn là lại nối dài các chuyến đi biển bị lỗ. Các mẻ lưới lên toàn cá nhỏ, nếu có vận chuyển vào tận nơi sản xuất mắm cũng chỉ bán được 800 – 1.000 đồng/kg. Thế là chi phí 100 triệu đồng (đối với tàu 150-170 CV) và 150-160 triệu đồng (đối với tàu từ 250-260 CV) của chuyến đi biển gần hai chục ngày lại đổ xuống biển. Càng đi biển càng lỗ. Chắc sau chuyến này, tàu lại nằm bờ hàng loạt mất. Ông Cự cho biết thêm.
Ở Lập Lễ, nghề biển "cha truyền, con nối", nhưng đã có hơn một trăm hộ phải bán tàu, chuyển nghề. Hai năm 2010-2011, đã có 25 tàu được bán cho ngư dân các địa phương khác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, muốn bán tàu cũng khó vì ít người mua. Càng đi biển càng lỗ, có trường hợp đã bị bắt tàu để trừ nợ do không có khả năng trả nợ.
Hợp tác, liên kết sản xuất để "cắt lỗ"
Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết: Giá xăng, dầu tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến nghề đi biển, tác động đến đời sống của ngư dân, làm tăng giá các loại vật tư khác phục vụ sản xuất, tăng chi phí và giảm doanh thu của chuyến biển. Chúng tôi đã thành lập một đoàn khảo sát để nắm bắt tình hình.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại miền trung thì trong quý I, do mùa vụ thuận lợi nên bà con vẫn đi biển bình thường. Hơn nữa, việc thành lập các tổ, đội đánh bắt xa bờ đã góp phần "giải cứu" nghề cá. Tại Phú Yên, mặc dù giá dầu và chi phí lương thực, thực phẩm tăng cao, nhưng 100% số tàu vẫn ra khơi, bám biển.
Theo Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Phó trạm kiểm soát Biên phòng Ðà Rằng, phường 6 và phường Phú Ðông có hơn 400 tàu câu cá ngừ đại dương, tất cả đã xuất bến từ hơn hai tuần qua, dự kiến trung tuần tháng 5 sẽ đồng loạt trở về đất liền. Ðể thực hiện chuyến đánh bắt dài ngày (hơn 20 ngày đến một tháng) tại ngư trường quần đảo Trường Sa, tổng chi phí bình quân mỗi tàu câu cá ngừ dao động từ 120 đến 170 triệu đồng (tăng hơn năm trước 15-20 triệu đồng/chuyến). Theo nhiều ngư dân, không chỉ xăng, dầu tăng giá 400 – 900 đồng/lít, lương thực, thực phẩm cũng tăng hơn 5 triệu đồng/chuyến, đá lạnh tăng 1.000 đồng/cây so với trước đây, nhưng nhờ hợp tác, liên kết sản xuất bám biển, bám bờ nên sản lượng đánh bắt cao (từ 1 đến hơn 1,5 tấn cá ngừ/tàu), giá cá ổn định, mỗi tàu thu lãi từ 30 đến 120 triệu đồng.
Chủ tịch UBND phường 6, TP Tuy Hòa Phạm Văn Hiểu cho biết, hai năm nay cá ngừ đại dương được mùa, biển êm nên bà con làm nghề câu cá ngừ đại dương có thu nhập cao. Những năm 2005, 2006 làm ăn thua lỗ, bà con bán tàu, thuyền ra các tỉnh Bình Ðịnh, Quảng Bình, năm nay lại tìm mua lại và đầu tư đóng mới được 30 chiếc tàu công suất lớn.
Giúp ngư dân bám biển
Trong điều kiện giá xăng, dầu tăng, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới nghề đánh bắt thủy hải sản và có chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu, phát triển đội tàu đánh cá xa bờ. Từ năm 2010, thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 1356/ QÐ-UB về việc hỗ trợ lãi suất cho ngư dân vay vốn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu đánh cá xa bờ, tàu dịch vụ đánh cá xa bờ. Theo đó, ngư dân sẽ được vay vốn với mức vay cao nhất 400 triệu đồng/ tàu đóng mới, 250 triệu đồng/ tàu cải hoán và thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ lãi suất của số vốn vay trên. Tuy nhiên, đến nay, mới có bảy hộ ngư dân của Ngọc Hải (Ðồ Sơn) tiếp cận được nguồn vốn vay này để nâng cấp, hoán cải tàu cá xa bờ, với tổng số vốn hơn 1,6 tỷ đồng. Còn ngư dân các địa phương khác, nhất là ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, không thể tiếp cận nguồn vốn, do thủ tục quá phức tạp, rườm rà và các ngân hàng cũng không có nguồn vốn bố trí cho chương trình.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Biện Minh Tâm, việc thành lập tổ thuyền an toàn là cách làm đem lại hiệu quả cao cho nghề đi biển. Phú Yên vận động thành lập 102 tổ tàu, thuyền an toàn, với 860 phương tiện và gần 6.000 thuyền viên tham gia. Tổ tàu, thuyền an toàn đánh bắt xa bờ ở Phú Yên hoạt động trên địa bàn khá rộng từ Bà Rịa – Vũng Tàu ra đến Hải Phòng, Quảng Ninh, đã bảo đảm được thông tin liên lạc với nhau giữa biển khơi và đất liền, với Bộ đội Biên phòng và từng hộ gia đình có tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Các hoạt động chính là đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ, hỗ trợ khai thác, bảo vệ môi trường và giải quyết sự cố trên biển.
Về phía Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để giúp ngư dân xác định được ngư trường, từ đó giảm chi phí xăng, dầu không cần thiết, Cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai cho biết, Cục đang khẩn trương hoàn tất Ðề án Dự báo ngư trường khai thác. Ðề án sẽ tập trung vào hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu dựa vào hải trình các đội tàu biển để dự báo sản lượng khai thác các loài hải sản, phục vụ công tác quản lý, giám sát. Xây dựng dự báo cấu trúc các trường khí tượng, hải dương học để cung cấp thông tin về ngư trường. Ông Nguyễn Ngọc Oai khẳng định, đây là một trong những giải pháp quan trọng để giúp ngư dân yên tâm bám biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có những chính sách kịp thời để hỗ trợ ngư dân. Ðồng thời, vận động tổ chức tốt hình thức tổ đội để chia sẻ chi phí, từ đó giảm gánh nặng cho các chủ tàu.
Quang Dũng, Trình Kế