(TSVN) – Hỏi: Ao nuôi cá kèo cần đảm bảo tiêu chuẩn gì? Quy trình cải tạo ao như thế nào cho phù hợp?
(Vũ Văn Long, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)
Trả lời:
Ao nuôi cá kèo nên có diện tích từ 1.000 m2 trở lên để cá kèo có đủ diện tích hoạt động. Độ sâu ao nuôi tối thiểu 1,5 m và phải cao hơn mức triều cường 0,5 m. Bờ ao ngăn cách tối thiểu 3 m. Vị trí ao nuôi đặt ở vùng gần nguồn nước, nguồn thức ăn. Giăng lưới xung quanh bờ ao để tránh các dị vật rớt vào ao nuôi như lá cây, rác thải.
Trước khi bắt đầu vụ nuôi, cần cải tạo ao nuôi theo quy trình. Đầu tiên cần tát cạn nước ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, vét bùn đáy chỉ để lại mức 20 – 30 cm bùn đáy, san phẳng đáy giúp sinh vật đáy phát triển tốt. Dùng vôi bột rắc đều đáy và quanh bờ ao nhằm làm môi trường đáy tơi xốp, diệt ký sinh trùng gây bệnh, giúp động vật đáy phát triển tạo cơ sở thức ăn cho cá, đồng thời ổn định pH, môi trường nước. Lượng vôi bón tùy thuộc vào pH đất, với ao đất thịt, không chua pH ≥ 6,5 nên bón 8 – 10 kg/100 m2; ao đất sét, có pH < 6,5, bón 10 – 15 kg/100 m2 sau đó cấp nước vào tháo rửa 1 – 2 lần.
Thời gian phơi ao phụ thuộc vào thời tiết để đảm bảo ao có phơi khô. Thời gian phơi đáy thường 5 – 7 ngày, phơi đến khi đáy ao khô, nứt chân chim (Lưu ý: nếu đáy ao bị nhiễm phèn thì chỉ nên phơi khô đáy ao không phơi nứt chân chim).
Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống hoặc đầu cấp nước của máy bơm, để tránh cá tạp xâm nhập vào ao. Khi lấy nước vào cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước. Khi nước đạt từ 1 – 1,2 m tiến hành bón phân gây màu nước.
Hỏi: Trong quá trình nuôi cá kèo cần lưu ý vấn đề gì để cá phát triển tốt?
(Nguyễn Công Hải, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Có thể cho cá kèo ăn thức ăn chế biến gồm cám gạo (60 – 70%) và bột cá (30 – 40%) được trộn đều và nấu chín, trộn với premix, khoáng và Vitamin A, D, E, C. Hàm lượng đạm trong thức ăn dao động từ 25% ở 2 tháng đầu, sau đó, giảm dần xuống 22% rồi 20% ở tháng thứ 3 – 4 và 18% cho hai tháng cuối. Khẩu phần thức ăn 4 – 6% trọng lượng đàn cá/ngày, cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng sớm và chiều mát).
Nếu sử dụng thức ăn công nghiệp, kích cỡ viên thức ăn phải phù hợp với độ lớn và kích thước miệng cá để cá có khả năng sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Hàm lượng đạm trong thức ăn 18 – 25%, giảm dần theo tháng tuổi của cá. Khẩu phần thức ăn công nghiệp 1 – 1,5% trọng lượng thân/ngày.
Ngoài ra, trong thời gian nuôi nên bổ sung thêm các men tiêu hóa nhằm kích thích cá ăn nhiều và tiêu hóa tốt hơn. Kết hợp bổ sung Vitamin C, premix để tăng sức đề kháng cho cá.
Để tránh gây sốc cho cá, mỗi lần thay khoảng 30% lượng nước trong ao và định kỳ 7 – 10 ngày thay một lần. Nếu nước ao bị nhiễm bẩn, màu nước xanh quá đậm hoặc chuyển màu nâu, có mùi hôi thì cần phải thay ngay nước mới trong sạch.
Bón vôi trên bờ ao và hòa tan vào nước để tạt xuống ao khi trời mưa lớn.
Cần theo dõi mực nước hàng ngày, kiểm tra các yếu tố thủy, lý hóa của nước ao như nhiệt độ, pH, độ trong, độ mặn. Kiểm tra bờ và cống ao đề phòng bờ bị rò rỉ do cua còng đào hang, lưới chắn bị thủng (do bị mục hoặc cua còng kẹp làm rách lưới). Vào mùa mưa, độ mặn nguồn nước cấp và nước trong ao có xu hướng giảm dần, chú ý độ mặn của nước cấp cho ao phải tương đương hoặc không quá chênh lệch với độ mặn nước ao để tránh cá bị sốc. Theo dõi tình trạng của cá trong ao để kịp thời xử lý. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý khí độc phát sinh trong ao giúp môi trường nuôi cải thiện hơn.
Cá kèo thường gặp một số bệnh như bệnh lở loét trên thân do ký sinh trùng, đốm trắng trên thân và đầu kèm theo xuất huyết các gốc vây do vi khuẩn gây ra. Khi phát hiện cá bị bệnh phải xác định đúng loài ký sinh hay vi khuẩn gây bệnh để sử dụng đúng thuốc để chửa trị. Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh đã bị cấm.
Ban KHKT