Để nuôi cua biển ba giai đoạn hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Ao nuôi cua ba giai đoạn cần đảm bảo yêu cầu gì? Phương pháp cải tạo ao nuôi hiệu quả?

(Trần Nhật Huy, xã Kỳ Hà, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Ao nuôi cua tốt nhất nên có các đặc điểm như: Gần sông, có nguồn nước dồi dào và dễ cấp thoát nước. Nền đáy ao, đầm nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão (lớp bùn không quá 15 cm). Đất và nước ít bị nhiễm phèn, pH nước từ 7,5 – 8,5; độ mặn từ 10 – 30‰ và nhiệt độ từ 25 – 350C. Ao nuôi tốt nhất nên có diện tích từ 2.000 – 5.000 m², độ sâu 1,5 – 1,8 m với bờ có chiều rộng đáy tối thiểu 4 m, mặt 2 – 3 m và cao 1 – 1,5 m và cao hơn mức triều cường ít nhất 0,5 m.

Việc cải tạo và xử lý nước ban đầu là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của ao nuôi. Tạo nền đáy ao sạch, làm tăng và ổn định lượng ôxy hòa tan trong nước, ổn định chất lượng nước và làm giảm các chất độc trong nước, ổn định nhiệt độ ao, hạn chế tảo sợi, tảo đáy phát triển, hạn chế các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau mỗi vụ nuôi cần phải ủi hoặc nạo vét sạch bùn đáy ao, gia cố bờ ao. Trường hợp bùn ao không nhiều, khoảng 10 cm, bón vôi CaO với lượng 15 – 20 kg/1.000 m², phơi đáy ao 2 – 3 ngày sau đó tiến hành bơm nước từ ao lắng vào ao nuôi (tốt nhất nên bơm nước qua túi vải lọc). Tránh lấy nước trong các trường hợp sau: Nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh, nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm, nước có nhiều váng bọt, màng nhầy, có nhiều phù sa đen lơ lửng. Không lấy nước khi thủy triều đang lên, tốt nhất nên lấy nước vào ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi.

Sau khi bơm nước vào ao nuôi khoảng 3 – 5 ngày thì tiến hành diệt tạp. Để diệt các loài cá tạp và giáp xác trong ao có thể sử dụng: Saponin: 15 – 20 kg/1.000 m³ nước (nếu độ mặn > 15‰), dây thuốc cá: 8 – 10 kg/1.000 m³ nước (nếu độ mặn < 15‰). Xung quanh bờ rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước… và đặt hơi nghiêng vào ao một góc 450, cao khoảng 80 – 100 cm sao cho cua không thoát ra được. Ao có cống cấp và thoát để cấp thoát nước cho ao, trước cống nên có 2 lớp đăng hay lưới chắn cẩn thận. Bố trí chà khô thành từng bó chiếm từ 1/3 – 2/3 diện tích ao nuôi để làm giá thể trú ẩn khi cua lột (tránh tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau gây hao hụt). Kiểm tra các yếu tố môi trường: pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 120 mg/lít, độ mặn: 10 – 30‰. Khi đạt các yêu cầu thì tiến hành thả giống.

Hỏi: Làm thế nào để quản lý tốt ao nuôi cua ba giai đoạn?

(Nguyễn Thành Chung, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Trong quá trình nuôi, cần định kỳ 10 – 15 ngày thay 20 – 30% lượng nước trong ao nuôi, sau 1 – 2 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng Iodine hoặc BKC (liều lượng tùy theo từng dòng sản phẩm). Sau khi diệt khuẩn 2 – 3 ngày tiến hành cấy vi sinh và bón vôi CaCO3, liều 10 – 15 kg/1.000 m³ để cải tạo đáy ao giúp tăng cường vi sinh có lợi phát triển và ổn định các yếu tố môi trường. 

Thường xuyên kiểm tra yếu tố môi trường nằm trong điều kiện cho phép và ổn định.

Khi cua biển không lột xác do pH thấp có thể dùng vôi CaCO3 để làm tăng pH, liều lượng 10 kg/1.000 m³. Nếu cua biển có hiện tượng đóng rong do thức ăn dư hoặc do nguyên sinh động vật bám (hiện tượng đóng su) có thể sử dụng biện pháp thay nước để làm sạch môi trường và sử dụng BKC 0,5 – 1 lít/1.000 m³.

Những ngày trời nắng nóng hoặc mưa nhiều thường xuyên bổ sung các chất khoáng, Vitamin C vào trong thức ăn. Định kỳ sử dụng các khoáng chất như Zeolite để xử lý đáy ao phân hủy các chất hữu cơ nền đáy.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!