Dễ nuôi như tu hài

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nuôi tu hài khá đơn giản, không chiếm nhiều diện tích, dễ quản lý, chăm sóc. Cùng đó, con giống nhân tạo đã được sản xuất thành công, vì vậy, tu hài đang là đối tượng thủy sản được nhiều người dân lựa chọn.

Đặc điểm sinh học

Tu hài (Lutraria phylippinarum Deshayes, 1884) có hình bầu dục, kích thước khi trưởng thành từ 7 – 12 cm, khối lượng từ 50 – 200 g/con, chiều dài vỏ thường gần gấp đôi chiều cao. Da vỏ mỏng có màu nâu và dễ bị bong ra, không có gờ phóng xạ, các vòng sinh trưởng mịn, không đều. Phần thân tu hài dài, nhiều thịt và nằm ẩn bên trong 2 mảnh vỏ của chúng. Thân tu hài thường có màu trắng, đôi khi có màu đỏ nhạt. Khi di chuyển thân tu hài sẽ trồi ra bên ngoài vỏ, trông giống như chiếc vòi voi.

Tu hài là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, rộng muối, chúng có thể sống ở nhiệt độ 18 – 330C, độ mặn 20 – 34‰, tuy nhiên khoảng nhiệt độ và độ mặn thích hợp cho tu hài là 18 – 300C và 25 – 30‰. Vùng triều thích hợp cho tu hài phát triển từ trung triều đến hạ triều, cho tới độ sâu 10 m. Chúng phù hợp với những vùng có chất đáy là cát pha xác san hô hoặc mảnh vụn nhỏ nhuyễn thể.

Cũng giống như loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác, tu hài là loài ăn theo phương thức lọc, thức ăn chủ yếu là tảo khuê. Khi nước triều lên, tu hài thò vòi lên mặt cát để xiphong lọc thức ăn. Thức ăn thay đổi theo giai đoạn phát triển và theo điều kiện môi trường. Thành phần thức ăn của nhuyễn thể chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật phù du trong đó có thực vật phù du chiếm tỷ lệ cao hơn động vật phù du.

Mùa vụ sinh sản của tu hài chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các điều kiện môi trường đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn. Hầu hết các tháng trong năm đều có tu hài thành thục nhưng tỷ lệ thành thục cao nhất tập trung vào thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau (Lê Xân và Đỗ Văn Minh, 2000).

Đa dạng hình thức nuôi

Tu hài là loài có giá trị cao về dinh dưỡng cũng như về kinh tế. Thịt tu hài có hương vị thơm ngon, ngọt, trong thịt có chứa 11,63% đạm, 0,42% đường, 1,22% muối khoáng và đặc biệt là 18 loại axit amin, trong đó có một số là những axit amin không thay thế.

Ở Việt Nam, tu hài phân bố tập trung chủ yếu ở miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng và rải rác ven các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Trước đây, tu hài chỉ có trong môi trường tự nhiên, là một đặc sản quý hiếm của nước ta. Tuy nhiên, nhận thấy đây là đối tượng có giá trị kinh tế cao, cùng với đó là nguồn lợi tự nhiên dần cạn kiệt, năm 2003 Viện Nghiên cứu NTTS I đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống nhân tạo tu hài và đã chuyển giao tới nhiều địa phương. Nhờ đó, từ năm 2010, nghề nuôi tu hài ở Việt Nam phát triển mạnh, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Khánh Hòa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tu hài được nuôi theo hai hình thức chính là nuôi trong lồng treo trên bè hoặc giàn treo cố định, gọi tắt là “nuôi treo” và nuôi trên mặt bãi tự nhiên hoặc bãi cải tạo, gọi tắt là “nuôi đáy”. Ngoài ra, ở một số địa phương, tu hài cũng được nuôi ghép với ốc hương, rong câu trong ao, nhằm đa dạng hóa đối tượng và hạn chế dịch bệnh.

Đến nay, con giống từ các trại sản xuất đã đảm bảo phục vụ cho nhu cầu nuôi của người dân và diện tích nuôi tu hài cũng ngày càng mở rộng ra nhiều địa phương khác. Điển hình như tại Phú Yên, ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài có nhiều hộ đầu tư nuôi tu hài thương phẩm bằng khay, lồng. Tu hài đã trở thành đối tượng nuôi mới có triển vọng phát triển rộng rãi, góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi thủy sản ở Phú Yên. Hiện tại ở TP Tuy Hòa đã có nhiều cơ sở sản xuất giống tu hài với số lượng lớn và có uy tín, đáp ứng nhu cầu về con giống cho cả trong tỉnh và nhiều nơi khác như Kiên Giang, Quảng Ninh.

Hay như mới đây, tại Khánh Hòa, UBND tỉnh cùng Sở Khoa học và Công nghệ đã đồng ý cho Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang thực hiện Dự án: “Sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài quy mô hàng hóa tại Khánh Hòa”, giai đoạn 2019 – 2021. Đến nay, Dự án đã nghiệm thu bước đầu sản phẩm làm ra. Cụ thể, Dự án đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo tu hài với quy mô hàng hóa (20 triệu giống cấp I/năm); bố trí thực nghiệm nuôi tu hài bằng hình thức rổ để đáy và lồng treo đạt năng suất nuôi 2 đợt tổng cộng 10 tấn/năm.

>> Ông Ngô Văn Hạnh, Tổ trưởng Tổ liên kết tu hài Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nuôi tu hài mang lại hiệu quả rất cao, mỗi hộ được Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang chuyển giao nuôi 1.000 - 1.200 rổ. Nếu thời tiết ổn định, không gặp nắng nóng, gió bão bất thường, doanh thu có thể đạt 300 - 400 triệu đồng/vụ 8 tháng (giá 300.000 đồng/kg, cao điểm 400.000 đồng/kg)”.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!