Để phụ phẩm ngành tôm không còn là rác!

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “Phụ phẩm tôm không còn là rác nữa mà trở thành nguyên liệu phục vụ chế biến thành các sản phẩm có giá trị, đáp ứng tiêu chí tuần hoàn trong phát triển xanh, giúp ngành tôm phát triển bền vững”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tuấn – Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) tại phiên hội thảo thứ 3 trong khuôn khổ VietShrimp 2024, tổ chức tại tỉnh Cà Mau vừa qua.

Đánh giá về thực trạng ngành tôm hiện nay, ông Tuấn nhấn mạnh rằng, những bất ổn về nguồn cung và chi phí thức ăn tôm đang ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận và sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam. Nguyên nhân là do chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng giá bán năm sau luôn cao hơn so với năm trước, trong khi Việt Nam hiện vẫn chưa tự chủ được nguồn cung thức ăn. Cùng với thức ăn, dịch bệnh và chiến tranh cũng đang tạo áp lực lên chuỗi cung ứng, đẩy chi phí ngày một tăng cao. Hệ quả của thực trạng này là giá thành tôm nuôi của Việt Nam luôn cao hơn các nước, làm suy giảm sức cạnh tranh của ngành tôm và giảm lợi nhuận của người nuôi cũng như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Do đó, theo ông Tuấn, ngành tôm Việt Nam cần phải áp dụng các giải pháp bổ trợ tăng hiệu quả sử dụng đạm, đáp ứng các tiêu chí về nguồn cung nội địa lớn và bền vững cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng.

Trong quá trình phát triển của ngành tôm, lượng phụ phẩm từ việc nuôi và chế biến tôm ngày càng gia tăng. Nếu không có các giải pháp xử lý thích hợp, nguồn phụ phẩm này sẽ gây lãng phí và trở thành nguồn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây cản trở cho sự phát triển của ngành tôm. Hậu quả của điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn làm mất đi khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc tái sử dụng và tăng giá trị của phụ phẩm không còn là một khái niệm mới, đặc biệt trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm. Nhiều quốc gia phát triển đã hiểu rõ giá trị của việc tận dụng phụ phẩm để tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó tạo ra một kinh tế tái chế và bền vững.

Một trong những nguồn cung lớn đó là nguồn phụ phẩm từ việc nuôi và chế biến tôm. Theo ông Tuấn, tại các nhà máy chế biến tôm, lượng phụ phẩm (bao gồm đầu và vỏ tôm) chiếm khoảng 35 – 40%, trong khi tại các trang trại nuôi, lượng vỏ tôm lột chiếm khoảng 5 – 7% tổng sản lượng tôm thu được sau mỗi vụ nuôi. Vì vậy, việc thu thập toàn bộ lượng vỏ lột này có thể mang lại lợi ích lớn. Tuy nhiên, do vỏ tôm lột thường được thu thập chủ yếu thông qua hệ thống xi phông, nên thường chỉ khi tôm đạt khoảng 50 ngày tuổi trở lên mới có số lượng vỏ lột đáng kể. Hiện nay, VNF đang hợp tác với các hợp tác xã ở tỉnh Cà Mau để thực hiện các thí điểm đánh giá chất lượng và tiến tới triển khai thu mua vỏ tôm.

VNF là một trong những công ty tiên phong tại Việt Nam trong việc phát triển các giải pháp sinh học nhằm thu hồi dinh dưỡng từ phụ phẩm tôm thông qua một chiến lược toàn diện và có hệ thống. Với hơn 9 năm hoạt động, VNF đã thành công xây dựng một danh mục sản phẩm độc đáo và đa dạng, có tính thương mại cao và đạt được các chứng nhận quốc tế, bao gồm Peptide, Chittosan và Astaxanthin. Giải pháp sản phẩm của VNF đã được các nhà máy sản xuất thức ăn và các trang trại nuôi trồng lớn thử nghiệm và chính thức đưa vào công thức thương mại. Do đó, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), VNF cùng với các đối tác đã thực hiện Dự án thu hồi vỏ tôm lột từ các trại tôm, mang lại nhiều giá trị kinh tế và phát triển bền vững cho chuỗi ngành tôm.

Đơn cử như Peptide là sản phẩm của quá trình thủy phân protein bằng enzym đặc chủng thành các amino acid và các peptide mạch ngắn, cung cấp nguồn đạm dễ hấp thu có khả năng giúp cải thiện tăng trưởng, hỗ trợ đường ruột và tăng cường sức khỏe nhờ khả năng tiêu hóa cao đem đến giải pháp nguyên liệu tiềm năng giúp tăng hiệu suất sử dụng đạm trong NTTS.

Thứ hai, Chitosan là một polymer sinh học với nhiều đặc tính hữu ích. Nó là một giải pháp tiềm năng để giảm sử dụng kháng sinh thông qua việc hỗ trợ tăng trưởng tự nhiên và phòng ngừa nhiều loại bệnh. Nhờ vào khả năng kháng khuẩn, Chitosan có thể hỗ trợ điều trị hoặc ngăn chặn các bệnh thường gặp trên thủy sản, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh.

Cuối cùng, Astaxanthin, được mệnh danh là “Vua của các chất chống oxy hóa”, tự nhiên có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản. Nó có nhiều chức năng đặc trưng như chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ sinh sản và tăng cường sắc tố, làm cho nó trở thành một thành phần quan trọng trong ngành NTTS.

Đánh giá cao giải pháp của VNF, TS. Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & MOTIV, Tập đoàn Cargill, đề xuất VNF nên được hưởng một phần từ giá tín chỉ carbon để từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lớn hơn cho nghiên cứu này. TS. Hòa nhận xét: “Tôi thấy hướng nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm hữu ích từ phụ phẩm ngành tôm của VNF là rất phù hợp với xu thế phát triển xanh hiện nay, nên cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường của ngành tôm”.

Ông Trần Công Khôi – Phó cục trưởng Cục Thủy sản thì cho rằng, đây cũng là cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn một cách thiết thực và hiệu quả nhất cho ngành tôm.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!