(TSVN) – Hỏi: Những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm?
(Nguyễn Văn Bình, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Có 3 yếu tố chính quyết định đến quá trình lột xác của tôm
Thức ăn: Dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm. Nếu tôm bị thiếu chất dinh dưỡng sẽ không đủ chất làm đầy vỏ nên vỏ sẽ không thể đứt ra để lột xác. Để tôm lột xác thành công, thức ăn phải cung cấp đầy đủ hàm lượng đạm trong khoảng 30 – 45%. Ngoài ra, nên cung cấp thêm các khoáng chất cần thiết giúp tôm thay vỏ tốt hơn, đặc biệt là đối với TTCT nuôi thâm canh mật độ cao. Nên bổ sung thêm canxi, vitamin, men tiêu hóa… để tôm tái tạo lớp vỏ mới nhanh hơn.
Môi trường ao nuôi: Các chỉ tiêu về ôxy hòa tan, độ mặn, độ pH, độ kiềm không tốt có thể ảnh hưởng đến quá trình tôm lột xác, thậm chí có thể khiến tôm không thể lột xác được.
Dịch bệnh: Trong quá trình nuôi tôm bị mắc một số bệnh như nấm, đóng rong, ký sinh trùng, … sẽ làm cho quá trình lột xác của tôm bị chậm hoặc không thể lột vỏ.
(Phan Như Hiếu, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận)
Trả lời:
Hiện nay có rất nhiều cách kích thích tôm lột xác hàng loạt khác nhau, nhưng người nuôi chủ yếu tiến hành thay nước một phần, kết hợp với diệt khuẩn ký sinh, đồng thời xử lý vi sinh, bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho ao tôm. Trong thời gian tôm lột vỏ thì nên giảm lượng thức ăn khoảng 10 – 30%, sục khí đầy đủ, liên tục chuẩn bị sẵn một số khoáng quan trọng tạt xuống ao nuôi. Bởi lẽ, tôm vừa lột xác sẽ hạn chế năng lượng, nó không thể bơi đi xa nên cần hấp thụ một lượng khoáng chất để làm tôm nhanh cứng vỏ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các chỉ tiêu sau đây:
– pH là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm. Độ pH trong ao thích hợp để tôm lột xác là 7,5 – 7,9.
– Ôxy hòa tan: Trong quá trình lột xác nhu cầu ôxy của tôm là rất lớn. Người nuôi phải đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong ao luôn ở mức 5 – 6 mg/l trong suốt quá trình lột vỏ.
– Độ mặn: Độ mặn cao lượng khoáng chất lớn giúp tôm lột xác dễ dàng và nhanh cứng vỏ. Ao nuôi thiếu khoáng sẽ làm tôm khó lột vỏ, vỏ bị mềm. Vì vậy, đối với những ao nuôi tôm có độ mặn thấp thì phải bổ sung khoáng thường xuyên.
– Độ kiềm: Trong quá trình sinh trưởng của tôm, nên duy trì độ kiềm trong ngưỡng 120 mg/l trở lên. Sau khi lột xác độ kiểm sẽ giảm do các ion đã được sử dụng để hình thành lớp vỏ mới. Trong trường hợp này cần phải điều chỉnh về mức 100 – 200 ppm.
Lưu ý: Lớp vỏ mới của tôm còn rất yếu nên rất dễ bị nhiễm dịch bệnh, vì thế cần bổ sung thêm khoáng chất thiết yếu như Ca, Mg, K, P, NaCl, Mn…. giúp tôm nhanh cứng vỏ. Đồng thời lựa chọn những loại thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng tại các cơ sở uy tín cho tôm nuôi. Vào mùa mưa, lượng mưa lớn khiến tôm lột xác không đồng đều, ao thiếu ôxy, khí độc cao, nước thiếu khoáng người nuôi cần phải bổ sung vôi để duy trì pH và ngăn chặn tôm lột vỏ, bổ sung men vi sinh để kiểm soát khí độc ao nuôi.
Ban KHKT