Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư NTTS tối đa 15 tỷ đồng/dự án

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Trong đó có đề cập đến việc doanh nghiệp có dự án đầu tư NTTS được hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, tối đa 15 tỷ đồng/dự án.

Theo dự thảo, doanh nghiệp có dự án đầu tư chăn nuôi gia súc (bao gồm: trâu, bò, heo, dê, cừu) để làm giống, lấy sữa hoặc lấy thịt được hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, tối đa 10 tỷ đồng/dự án. Doanh nghiệp có dự án đầu tư NTTS được hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, tối đa 15 tỷ đồng/dự án. Dự án đầu tư chăn nuôi gia súc và NTTS phải đáp ứng điều kiện về quy mô công suất tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định.

Doanh nghiệp có tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển được ngân sách Nhà nước hỗ trợ với mức 30 triệu đồng/tấn tải trọng (DWT), không quá 40% tổng mức đầu tư, tối đa 15 tỷ đồng/tàu. Điều kiện hỗ trợ là tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá có tải trọng tối thiểu 200 DWT; được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo quy định của pháp luật.

Đối với hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 1,5 tỷ đồng/dự án. Cụ thể, hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề hoặc thuê đào tạo nghề không quá 40% chi phí đào tạo cho một lao động, mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/lao động. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương dành khoảng 5% vốn chi ngân sách hằng năm cho ngành nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Nghị định này.

Tại tờ trình dự thảo Nghị định này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những mục tiêu sửa đổi Nghị định số 57/2018 là việc hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư năm 2020 gồm “Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học”.  Sửa đổi các nội dung tại Nghị định nhằm kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng an toàn, hiệu quả. Kịp thời đón nhận cơ hội đầu từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước như: EVFTA, EVIPA; CPTPP, RCEP.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!