T2, 06/07/2020 09:59

Để xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tiến xa hơn

Chưa có đánh giá về bài viết

Xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng liên tục với tốc độ từ 8 – 10%/năm kể từ năm 1995 (trừ 2009). Năm 2011 kim ngạch đạt mức ấn tượng với 6,11 tỉ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam trở thành một trong mười quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu về suy thoái môi trường, một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp đang trên đường phá sản, nhưng thuỷ sản Việt Nam sẽ còn phát triển một số năm nữa. Dù vậy, với cách làm hiện nay, sau hai mươi năm nữa thuỷ sản Việt Nam sẽ đi về đâu?

 

 

Đổi mới để phát triển thị trường

Vào những năm 1994, 1995, 1996, Nhật Bản chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Lúc đó, một vấn đề đặt ra là làm sao để đa dạng hoá thị trường giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Từ chỗ “tiếp thị thụ động”, ngồi tại chỗ chờ các doanh nghiệp đến hướng dẫn chế biến và mua hàng như cách làm truyền thống với khách hàng Nhật, ta đã chuyển dần sang “tiếp thị chủ động”, chủ động thông tin đến khách hàng, chủ động nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới, chủ động đến thăm các nhà nhập khẩu và tham dự hội chợ quốc tế….

Khi vừa bước tới ngưỡng cửa các thị trường mới như Mỹ và EU, doanh nghiệp Việt Nam gặp ngay một cản trở lớn. Sản phẩm và quá trình sản xuất sản phẩm trước khi xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của chính phủ nước sở tại. Đã có nhiều cuộc tranh luận khá căng thẳng về việc có nhất thiết vào thị trường Mỹ và EU hay không, cũng đã có khá nhiều nghi ngờ, ngại ngần về hiệu quả của việc đầu tư nâng cấp doanh nghiệp, vì để được công nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ và EU, doanh nghiệp phải đầu tư khá lớn cho sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị và đào tạo lại nhân lực.

Yêu cầu đổi mới không chỉ đặt ra với doanh nghiệp, cơ quan thẩm quyền EU còn đòi hỏi cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải có năng lực tương đương, đồng thời tương đương về luật lệ, tiêu chuẩn, quy định trong kiểm soát an toàn vệ sinh.

Xuất khẩu thủy sản từ 1993 – 2011

Sau gần năm năm không ngừng đổi mới, năm 1998 Việt Nam được công nhận tương đương ba nội dung, tương đương về năng lực cơ quan thẩm quyền, tương đương về luật lệ và 18 doanh nghiệp đầu tiên được EU công nhận tương đương (đến 2011 con số này là 740 doanh nghiệp).

Đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để “mở khoá” bước vào thị trường là bước tiến quan trọng nhưng chưa đủ. Đầu tư cho các hoạt động quảng bá tiếp thị, xây dựng hình ảnh, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, tham gia các hội chợ quốc tế ngày nay đã trở thành công việc thường xuyên và chuyên nghiệp tại nhiều doanh nghiệp thuỷ sản.

 

Nhưng chưa tới…

Có rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển bền vững của thuỷ sản Việt Nam, riêng về phát triển thị trường có thể kể đến những việc làm chưa tới hay những khiếm khuyết dưới đây.

Diễn biến thị trường, giá cả của sản phẩm cá tra là điển hình của việc mạnh ai nấy làm, phát triển một cách tự phát, không có tổ chức. Trong khi cá tra Việt Nam liên tục bị bêu xấu ở hầu khắp các thị trường lớn thì hầu như không có một nỗ lực PR đủ mạnh mẽ và chuyên nghiệp từ phía cộng đồng sản xuất trong nước để đổi mới hình ảnh của cá tra Việt Nam, đưa thông tin về sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Báo chí Việt Nam đưa tin về việc nhiều tổ chức trên thế giới trong đó có WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ nhưng cũng như đã nhiều lần xảy ra sự cố, vẫn là “ta nói ta nghe”. Ngay với thị trường nội địa, đã có chiến dịch truyền thông nào được thực hiện để gia tăng tiêu dùng cá tra?

Nền sản xuất hướng đến toàn cầu cần phải có chiến lược thị trường toàn cầu và một thương hiệu mạnh. Trong khi đó, cá tra Việt Nam mang hàng chục tên khác nhau, phụ thuộc vào yêu cầu của nhà nhập khẩu. Việc “treo đầu dê…”, nguyên liệu là cá tra nhưng sản phẩm lại đề tên cá khác là việc không hiếm ở khá nhiều nơi. Các doanh nghiệp và nhiều vùng nuôi đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhưng đâu là các giá trị chung của cá tra với tư cách là sản phẩm quốc gia?

Sau nhiều năm xuất khẩu tăng trưởng liên tục, đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu mỗi năm từ vài chục đến vài trăm triệu USD nhưng quan sát sản phẩm thuỷ sản tại các siêu thị ở Nhật, Mỹ, EU tuyệt nhiên không thấy một thương hiệu Việt nào. Nhìn kỹ vào các bao bì mang thương hiệu nước ngoài, có thể thấy ở mặt sau, trong một góc dòng chữ “made in Vietnam” hoặc khá hơn là dòng chữ “sản xuất tại nhà máy tên…”.

 

Bài học sau gần 20 năm phát triển thị trường

Na Uy là nước nhỏ nhưng có nền sản xuất thuỷ sản phát triển, xuất khẩu thuỷ sản luôn ở vị trí nhất nhì trên thế giới với thương hiệu cá hồi nổi tiếng. Na Uy thành lập hội đồng Xuất khẩu thuỷ sản (NSEC) để thực hiện việc xây dựng thương hiệu chung, nghiên cứu thị trường, PR, thống kê, lập kế hoạch và giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại cá hồi. NSEC là tổ chức phi chính phủ nhưng do luật quy định nhiệm vụ và tổ chức. Luật Na Uy quy định doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu phải thực hiện các quy tắc của NSEC và đóng phí theo tỷ lệ. Na Uy giải thích quy định này là để xác định trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp và ngăn chặn các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, phá huỷ nỗ lực chung. Trước đó, Na Uy biết rõ rằng vì không đủ nguồn lực nên hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu phải “ăn theo” thương hiệu của nhà nhập khẩu hoặc bán lẻ nước ngoài.

Để chủ động vượt qua các biến động thị trường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự tổ chức các liên kết với người nuôi, nhưng các quan hệ này lập tức bị phá vỡ khi có biến động lớn về cung cầu trên thị trường. Các doanh nghiệp tham gia hiệp hội VASEP và một số hiệp hội ngành hàng khác nhưng quan hệ liên kết qua hiệp hội rất lỏng lẻo. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng việc này không thể hiệu quả nếu không tìm được mối dây để nối các lợi ích riêng, có một mục đích chung và thiếu sự hỗ trợ của pháp lụât.

Liên kết chỉ thành công và bền vững khi các thành viên đều hướng tới một mục đích “tăng giá trị sản phẩm và ổn định thị trường vì sự phát triển của cả ngành hàng”. Chỉ trên cơ sở đó lợi ích riêng của người nuôi, người chế biến và người xuất khẩu mới được đảm bảo.

Bài học lớn nhất đối với sản xuất thuỷ sản nói riêng và nông nghiệp nói chung là phát triển thị trường phải dựa trên sức mạnh liên kết của cộng đồng với sự phối hợp và hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế và luật pháp.

Bài học thứ hai là cần thiết xây dựng thương hiệu chung cho từng sản phẩm, có thể là “cá tra Việt Nam”, “cá ngừ vịnh Nha trang”, “nghêu Bến Tre”… Mọi sản phẩm được sản xuất ra dù xuất khẩu đi nước nào cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm mang thương hiệu chung, cũng như “cá hồi Na Uy”, dù bán ra dưới dạng nào vẫn đáp ứng tiêu chuẩn chung và mang tên “cá hồi Na Uy”.

Bài học thứ ba là về vai trò của nhà nước. Rất cần sự phối hợp hiệu quả và hỗ trợ bằng cơ chế chính sách để xây dựng và phát triển các tổ chức cộng đồng. Nhà nước không làm thay hay ôm đồm mà cần giao quyền để cộng đồng tự quyết định công việc phát triển sản xuất, phát triển thị trường, chính quyền giám sát việc thực hiện. Vai trò hỗ trợ của chính quyền là yếu tố quyết định để phát triển thị trường, xây dựng ngành sản xuất thuỷ sản phát triển bền vững.

Bài học thứ tư là về việc xây dựng hệ thống phân phối. Quan sát thị trường nội địa và quốc tế có thể thấy rằng thiếu một hệ thống phân phối phù hợp với đặc điểm sản phẩm thì sản phẩm khó phát triển vào thị trường, hoặc nếu vào được thì chỉ đến thị trường nguyên liệu hoặc bán buôn và phải sử dụng thương hiệu của hệ thống phân phối sẵn có.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh,
chủ tịch danh dự VASEP,
nguyên thứ trưởng bộ Thuỷ sản

Theo SGTT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!