(TSVN) – Mới đây, ngày 18/7/2023 Cục Thủy sản phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển”.
Hội thảo với sự chủ trì của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cùng với sự tham dự của các đại biểu Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường, Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, đại diện Bộ Công thương và cơ quan có liên quan; Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương các tỉnh tham gia Trung tâm đầu mối thuỷ sản ven biển Bán đảo Cà Mau và đại diện ngành thuỷ sản tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long; Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hợp tác xã, đại diện người nuôi trồng thuỷ sản, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất – chế biến – tiêu thụ và xuất khẩu thuỷ sản tại khu vực Bán đảo Cà Mau/ĐBSCL và nhóm cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, đại diện GIZ và GFA.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận các nội dung có liên quan: (1) Nhiệm vụ, yêu cầu, đầu ra và kế hoạch xây dựng Đề án; các hoạt động ưu tiên và phối hợp của địa phương, các bên liên quan trong xây dựng đề án; (2) Hiện trạng chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – tồn tại, thách thức trong cung ứng nguyên liệu, logistics và dịch vụ hậu cần trong chuỗi cung ứng thuỷ sản Việt Nam; (3) Một số mô hình về Trung tâm Đầu mối (Hub), kinh nghiệm quốc tế và khu vực về phát triển các mô hình vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến và tiêu thụ; một số vấn đề đặt ra trong việc phát triển Trung tâm Đầu mối Thuỷ sản gắn với vùng nguyên liệu ven biển – Khuyến nghị mô hình cho phát triển Trung tâm Đầu mối Thuỷ sản gắn với vùng nguyên liệu ven biển.
Mô hình nuôi thủy sản bền vững của Sóc Trăng. Ảnh: ST
Theo nhận định của Cục Thủy sản, sự ra đời của Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển là một phần quan trọng của hệ thống giao thông và logistics của ĐBSCL; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu, phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm; Đề án là một trong những định hướng trong Quy hoạch ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Các đại biểu cũng nhận thấy những khó khăn, thách thức khi xây dựng và triển khai, tổ chức thực hiện Đề án đó là: thực trạng sản xuất của vùng mang tính chất sản xuất với quy mô nhỏ, số lượng nhiều; hoạt động sản xuất, kinh doanh chi phí đầu vào cao; quy luật cung – cầu nguyên liệu không ổn định; sản xuất chưa gắn với thị trường và chưa phát triển theo chuỗi giá trị; hệ thống logistic và các dịch vụ phụ trợ phát triển chưa tương xứng với sản xuất; kết nối giữa các vùng/tiểu vùng còn yếu.
Để giải quyết các vấn đề đặt ra, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất đáng ghi nhận: (1) Cần đảm bảo tốt các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đó là có vùng sản xuất nguyên liệu thủy sản ven biển với quy mô đủ lớn; có hệ thống hạ tầng đầy đủ và kết nối giao thông tốt (như đường bộ, cảng biển…); các dịch vụ thiết yếu được đảm bảo như cung cấp năng lượng, nước, logistics, khoa học công nghệ… đảm bảo phát triển chuỗi giá trị thủy sản ven biển có sự kết nối ngang và dọc; (2) Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, có tác dụng bao trùm cả vùng như thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý nước… Tạo môi trường thu hút đầu tư tư nhân, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; Phân cấp quản lý tài chính, đơn giản hóa thủ tục, dịch vụ công; (3) Về công tác điều hành và quản lý: Nhà nước xây dựng khung chính sách, tìm và dỡ bỏ các rào cản, đề xuất cơ chế đặc thù cho hoạt động của Trung tâm Đầu mối; Thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý, xây dựng mô tả hướng dẫn cho các bộ phận chức năng.
Trần Thanh Thiện