Số liệu của Cục Thú ý, trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh bị thiệt hại hơn 23.126 ha, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2018 (có tổng diện tích bị thiệt hại 37.130 ha).
Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại hơn 21.655 ha, giảm 36,07% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 3,03% tổng diện tích nuôi tôm cả nước. Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại 68,37 ha, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 1,08% tổng diện tích nuôi cá tra. Trên tôm, chủ yếu bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng, còn trên cá tra chủ yếu bệnh xuất huyết.
Diện tích nuôi tôm nước lợ bị bệnh giảm – Ảnh: Phan Thanh Cường
Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, nguyên nhân chủ yếu do biến động các yếu tố môi trường chiếm (60,3%) đó là những thời điểm thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa làm các chỉ tiêu thủy lý hóa trong ao biến động. Bệnh hoại tử gan tụy cấp chiếm 24,1%, tập trung ở hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh giai đoạn 20 – 50 ngày nuôi; bệnh đốm trắng chiếm 8,9% tập trung ở giai đoạn 20 – 65 ngày. Còn tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước với 1.583 ha, trong đó trên 52% đạt chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng, có nguyên nhân gây dịch bệnh là một số cơ sở nuôi còn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Đặc biệt, bệnh hoại tử gan tụy cấp được phát hiện trên tôm giống ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Chi cục Thú y vùng VI cho biết, phối hợp với hai tỉnh thu 191 mẫu tôm, 191 mẫu nước nuôi và 31 mẫu thức ăn tươi sống để xét nghiệm các bệnh. Kết quả, tác nhân đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính: 7/31 mẫu thức ăn dương tính (22,58%); 9/191 mẫu nước dương tính (4,71%) và 5/191 mẫu tôm giống dương tính (2,17%). Cho thấy thức ăn tươi sống có tỷ lệ lưu hành bệnh rất cao, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc bệnh lưu hành tại các cơ sở sản xuất giống.