Dịch bệnh thủy sản xuất hiện tại nhiều địa phương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tôm, cá nuôi ở nhiều địa phương bị dịch bệnh, chết do môi trường thay đổi đột ngột và thời tiết nắng nóng gay gắt.

Thừa Thiên – Huế

Điển hình như tại Vinh An (Phú Vang) có hàng chục ao hồ nuôi thủy sản, xen ghép bị dịch bệnh, đang diễn biến phức tạp. Tại xã Phong Hòa (Phong Điền), nhiều lồng nuôi cá trắm trên sông Ô Lâu bị dịch bệnh, chết rải rác kéo dài từ hơn 10 ngày nay. Đến ngày 31/7, tình trạng cá nuôi lồng trên sông Ô Lâu chết nhiều hơn. Cá nuôi lồng chết có dấu hiệu lở loét, xuất huyết và có nhiều ký sinh trùng bám ở mang.

Qua kiểm tra của người dân và cơ quan chức năng, các yếu tố, chỉ số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nguồn nước cấp nuôi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thủy sản, dẫn đến dịch bệnh và chết.

Tại các điểm quan trắc, như thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (Phú Vang), thị trấn Sịa (Quảng Điền), các xã Hải Dương, Hương Phong (TP  Huế)… nhiều yếu tố môi trường quá cao, hoặc thấp không đảm bảo cho NTTS. Tại Quảng Điền, đến nay đã có khoảng 70 ha ao hồ nuôi thủy sản bị dịch bệnh, thiệt hại lớn. Nguyên nhân ban đầu khiến thủy sản bị dịch bệnh chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa giông vào chiều tối. Điều này làm môi trường thay đổi đột ngột, hàm lượng ôxy giảm thấp kèm theo mật độ thả nuôi dày làm tôm, cua, cá chết.

Phó Giám đốc Sở NN&PNT, ông Trương Văn Giang nhận định, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là nắng nóng; trong khi đó theo quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện không xả nước về hạ du do mực nước giảm còn rất thấp (trừ các trường hợp cấp thiết). Điều này sẽ khiến việc NTTS trên các sông Bồ, Đại Giang… gặp nhiều khó khăn.

Phú Yên

Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh khoảng 1.570 ha, chủ yếu ở TX Đông Hòa, TX Sông Cầu và huyện Tuy An. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi ở một số vùng nuôi là do thời tiết bất lợi, môi trường biến động nên làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh. Mặt khác, hiện nay môi trường nhiều vùng nuôi ở Phú Yên đang bị suy thoái, ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất thải hữu cơ tích tụ, tồn đọng trong vùng nuôi không được rửa trôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh trên tôm nuôi nước lợ ở Phú Yên xảy ra rải rác tại các vùng nuôi. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh khoảng 48 ha (TX Đông Hòa gần 39,5 ha, TX Sông Cầu khoảng 2,5 ha, huyện Tuy An hơn 6 ha), chiếm khoảng 2,9% so với diện tích thả nuôi; trong đó, bệnh hoại tử gan tụy cấp hơn 30 ha, bệnh đốm trắng gần 18 ha. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ gần 28.600 kg Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường vùng nuôi và xử lý, khống chế các ổ dịch ngăn ngừa phát sinh tại các vùng nuôi. Chi cục Chăn nuôi và thú y đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, nhất là trong giai đoạn nắng nóng kéo dài từ tháng 5/2021 đến nay.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế ổ dịch triệt để tránh lây lan. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát con giống thủy sản nhập về địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và xét nghiệm bệnh. Các địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xả thải ao nuôi thủy sản bị bệnh ra môi trường mà chưa xử lý làm lây lan dịch bệnh.

Anh Vũ

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!