T7, 04/01/2025 12:01

Dịch bệnh trên thủy sản năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm ngoái

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 04/01/2025, Cục Thú y tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh động vật và kiểm soát giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đồng chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2024, ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. 

Riêng đối với dịch bệnh thủy sản, năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.490 ha, giảm 11,3% so với năm ngoái; ngoài ra có khoảng 4.993 lồng, bè, vèo, bể nuôi có thủy sản bị thiệt hại. 

Hội nghị phòng chống dịch bệnh trên động vật diễn ra sáng ngày 04/01/2025 tại Bộ NN&PTNT

Cụ thể, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 21.590 ha (do môi trường là 17.314 ha, không xác định được nguyên nhân là 155 ha), chiếm khoảng 96% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm 4,3% so với năm 2023 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 22.567 ha). Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là khoảng 291 ha, giảm 30,9% so 10 với năm 2023 (có diện tích thiệt hại là trên 421 ha); chủ yếu do mắc bệnh gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng, một số bị sưng bóng hơi, phù đầu và tuột nhớt.

Thiệt hại trên các loài thủy sản khác như cá nước ngọt nuôi lồng tại Hải Dương, cá biển nuôi lồng tôm hùm tại Phú Yên, ngao tại Ninh Bình bị chết nhiều, đột ngột do các yếu tố môi trường; cua biển nuôi tại Cà Mau chết nhiều không rõ nguyên nhân. Về cơ bản, tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên động vật thủy sản không có biến động lớn so với năm 2023.

“Đối với nuôi trồng thủy sản, chủ yếu thiệt hại ở loại hình quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa (khoảng 16.117 ha), còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh (khoảng 5.474 ha). Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 4.121 ha (chiếm 19% trong tổng diện tích tôm bị thiệt hại), giảm 38,5% so với năm 2023”, Phó Cục trưởng Phan Quang Minh thông tin thêm. 

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh báo cáo tình hình dịch bệnh động vật năm 2024

Trong năm 2024, ngành thú y đã tổ chức giám sát, xây dựng chuỗi, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất tôm nước lợ, cá cảnh theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ xuất khẩu. Tổ chức thẩm định, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho 02 cơ sở; hướng dẫn 01 cơ sở xây dựng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận. Tính đến nay, cả nước đã có 32 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 31 cơ sở sản xuất tôm (24 cơ sở sản xuất tôm giống, 02 cơ sở sản xuất giống tôm bố mẹ, 05 cơ sở nuôi tôm thương phẩm) và 01 cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu.

Cục Thú y nhận định, bên cạnh những thuận lợi thì công tác quản lý dịch bệnh trên thủy sản cũng gặp một số khó khăn như diễn biến thời tiết cực đoan, tiêu cực, khó dự báo, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm. Hạ tầng vùng nuôi tôm hùm còn nhiều hạn chế, vùng nuôi hở nên phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường, thời tiết; quy trình nuôi, quản lý vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các địa phương không bố trí kinh phí hoặc bố trí không đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm, đặc biệt là giám sát thu mẫu chủ động. 

Hiện nay, số lượng cán bộ làm công tác thú y thủy sản còn thiếu và yếu về chuyên môn, đặc biệt là thú y tại tuyến cơ sở. Công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm trong nước chưa được chú trọng, nguồn tôm hùm giống ngoài tự nhiên đã gần như cạn kiệt. Cơ quan quản lý hầu như không nhận được báo cáo dịch bệnh, chia sẻ thông tin từ người nuôi, từ các phòng thử nghiệm tư nhân, kể cả một số viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, các doanh nghiệp lớn và cơ quan quản lý thuỷ sản; nhiều doanh nghiệp lớn không hợp tác với cơ quan thú y khi dịch bệnh xảy ra.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, mặc dù năm 2024 chúng ta đã kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, tuy nhiên một số loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn còn lưu hành, đối với động vật thủy sản chủ yếu vẫn là các bệnh như hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, vi bào tử trùng trên tôm; bệnh gan thận mủ, bệnh xuất huyết ở cá tra, bệnh ký sinh trùng,…

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phê duyệt 06 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản; Ban hành nhiều Công điện, Chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh động vật.

“Năm 2024 mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng thú y cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có những mục tiêu hoàn thành tốt. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng của ngành thủy sản đó là chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Với quy mô sản xuất hàng hóa quy mô lớn như hiện nay đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nếu chúng ta không làm tốt phòng chống dịch bệnh thì rất khó có được kết quả tốt trong năm 2025”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Trước nguy cơ dịch bệnh xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chống dịch bệnh thủy sản. Thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống báo cáo trực tuyến VAHIS. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ xuất khẩu. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!