Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm của nước ta cao, nhưng nhìn chung hiệu quả còn thấp. Sở dĩ như vậy, một phần do dịch vụ hậu cần còn yếu và thiếu. Để phát triển ngành khai thác, giúp như dân bám biển, việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là hết sức cấp thiết.
Nhiều bất cập
Cả nước hiện có 91 cảng cá, bến cá đã và đang được đầu tư, trong đó có 18 cảng cá thuộc tuyến đảo và 73 cảng cá, bến cá thuộc tuyến bờ, cửa sông. Trong số này có 66 cảng cá đã vào hoạt động. Ngoài ra 21 dự án xây dựng cảng cá đang tiếp tục được hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng và 19 dự án đã xong thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư khai thác các cảng cá chưa phát huy hiệu quả sử dụng, gây khó khăn cho tàu, thuyền ra vào neo đậu…; ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của ngư dân. Các điểm tập kết sản phẩm thủy sản khai thác ở các bãi ngang và làng cá tập trung ở nhiều tỉnh chưa được quy hoạch, còn manh mún; việc quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường chưa được chú ý đúng mức.
Cả nước hiện có 702 cơ sở đóng sửa tàu cá với khả năng đóng mới 4.000 chiếc/năm và sửa 8.000 chiếc/năm, nhưng nhìn chung quy hoạch còn manh mún, chưa phân công, phân cấp quản lý; quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu và thiếu, chủ yếu đóng tàu nhỏ vỏ gỗ theo kinh nghiệm dân gian. Trang thiết bị an toàn trên tàu còn thiếu, chất lượng chưa cao. Nhiều tàu khai thác vượt tiêu chuẩn cho phép, dẫn đến nhiều tai nạn xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu do hỏng máy, vỡ, nứt vỏ tàu.
Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định – Ảnh: Đức Lợi
Thời gian qua, các hộ tư nhân là chủ tàu thuyền làm nghề khai thác và kết hợp làm dịch vụ hậu cần nghề cá đã tăng đáng kể. Nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ gặp nhiều khó khăn, hiểu biết ít về pháp luật, thiếu kiến thức cạnh tranh trong kinh doanh nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cần ưu tiên đầu tư nâng cấp
Để phát triển ngành khai thác, phát triển hậu cần giúp ngư dân bám biển, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định. Theo đó, nhiều dự án sẽ sớm được triển khai: Xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trọng điểm cấp vùng, nhằm tạo động lực phát triển nghề cá trong vùng và từng bước hiện đại hóa nghề cá, với số vốn khoảng 600 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2013 đến năm 2020; Xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo trọng điểm nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa bờ, với số vốn 1.200 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2013 – 2020. Cùng đó, tập trung đầu tư xây dựng các chợ thủy sản đầu mối gắn với cảng cá; xây dựng 5 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cấp vùng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang và các đảo Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Phú Quý, Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu.
Mô hình đội tàu hậu cần đang tạo thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất, thay cho việc phải vào bờ sau mỗi chuyến đi. Các tàu làm dịch vụ có trang bị hầm đông lạnh, thu mua hải sản của ngư dân và chế biến ngay trên biển, nên hàng hải sản được chuyển vào đất liền nhanh chóng. Những tàu này còn làm luôn việc cung cấp thực phẩm, nhiên liệu… phục vụ đánh bắt dài ngày trên biển.
Đội tàu làm dịch vụ hậu cần cũng được tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên nắm bắt thông tin liên lạc hai chiều giữa đất liền và tàu thuyền trên biển. Những thông tin về dự báo thời tiết, bão, cứu nạn, cứu hộ trên biển được xử lý nhanh và kịp thời, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo vệ an ninh vùng biển. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này chưa có nhiều, mới phát triển nhỏ lẻ ở một vài địa phương (Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh miền Đông Nam bộ).