Ngành thương mại thủy sản vẫn phát triển ổn định trong năm 2015 và 2016. Trung Quốc tiếp tục được kỳ vọng là cường quốc xuất khẩu thủy sản. Các nước nuôi trồng thủy sản định hướng xuất khẩu như Na Uy, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Ecuador cũng ngày càng khẳng định vị thế.
Ba thị trường tiêu thụ quan trọng nhất
EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu trên 26 tỷ USD năm 2013, tăng gần 10 tỷ so với năm 2005. Nhập khẩu thủy sản của Mỹ cũng tăng mạnh, 19 tỷ USD. Hai thị trường này có sức tiêu thụ bền vững và ổn định hơn thị trường Nhật Bản.
Đầu những năm 2000, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu, nhưng khi dân số giảm cộng với mức tiêu thụ bình quân đầu người giảm và sự suy yếu của đồng Yên trong năm 2015 khiến sản phẩm thủy sản nhập khẩu trở nên đắt; do đó vai trò Nhật Bản trên thị trường thủy sản dần trở nên mờ nhạt.
Hai cường quốc xuất khẩu
Xuất khẩu thủy sản Trung Quốc đã chạm mốc 20 tỷ USD/năm 2014, gấp đôi Na Uy (10 tỷ USD). Trong khi thủy sản Na Uy chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu (hầu hết là cá hồi tươi sống) thì Trung Quốc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu tới khắp thế giới, gồm cả cá đáy, cá hồi và cá khai thác tự nhiên nhập từ Nga, EU và Mỹ được chế biến tại Trung Quốc. Năm 2015 NTTS tại Trung Quốc cũng nhiều thành công, điển hình là ngành công nghiệp cá rô phi và tôm (hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực). Ngoài ra, Trung Quốc có đội tàu khai thác hùng hậu, hoạt động khắp thế giới.
Tuy nhiên, Rabobank dự báo ngôi vị xuất khẩu ròng thủy sản Trung Quốc sớm muộn sẽ đảo ngược, chủ yếu do sự gia tăng dân số tầng lớp trung lưu dẫn tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao (như cá hồi Na Uy) được đẩy lên và sự gia tăng chi phí lao động; chi phí thuê đất cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các nhà sản xuất Trung Quốc đang ngày càng chú trọng thị trường nội, như tôm và cá rô phi, vì giá bán tốt hơn trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, giữa năm 2000 và 2013, xuất khẩu của Trung Quốc đã đạt tỷ lệ tăng trưởng kép kỷ lục, 15%.
Ngành tôm gặp khó
Tôm và cua chiếm số lượng lớn nhất trong nhóm giác xác, với tổng sản lượng trên 12 triệu tấn. Gần 3 triệu tấn được xuất khẩu, mang lại giá trị 25 triệu USD. Sự gia tăng diện tích nuôi tôm vùng nhiệt đới, cộng với nhu cầu tiêu thụ khổng lồ tại EU, Mỹ và Nhật Bản là những động lực lớn thúc đẩy ngành thương mại tôm toàn cầu phát triển. Năm 2013, xuất khẩu tôm sang Mỹ 700.000 tấn, sang EU 600.000 tấn. Năm 2013, Ấn Độ trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu tại Mỹ, thay thế Thái Lan; Ecuador trở thành nước Mỹ Latinh xuất khẩu tôm lớn nhất. Xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ cũng tăng cao thời gian gần đây. Tuy nhiên, ngành tôm châu Á liên tục đối mặt khó khăn do dịch bệnh, giá xuất khẩu giảm khiến sản lượng tôm năm 2015 ước tính giảm 9% so năm ngoái.
Cá ngừ – vai trò ngày càng rõ
Cá ngừ đóng hộp hoặc chế biến sẵn, đông lạnh, có khối lượng giao dịch lớn nhất. Thăn cá ngừ đông lạnh là nguyên liệu tươi sống chủ yếu dùng trong chế biến đồ hộp; trong khi đó fillet cá ngừ đông lạnh được sử dụng tại các chuỗi dịch vụ thực phẩm, như nhà hàng sushi. Các quốc đảo Kiribati, Vanuatu, Maldives và Marshall là những nguồn cung cá ngừ chủ đạo cho Thái Lan năm qua. Thái Lan là nước châu Á nhập khẩu cá ngừ lớn nhất.
Philippines và một số quốc đảo nhỏ hơn như Maldives và Seychelles xuất khẩu trực tiếp cá ngừ sang EU. Trong tương lai, Papua New Guinea cũng có thể xuất khẩu trực tiếp sang EU, nếu ngành công nghiệp chế biến cá ngừ hộp nước này tạo được những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Cá biển nhỏ có giá cạnh tranh nhất
Với 20 – 23 triệu tấn/năm, cá biển nhỏ được khai thác với sản lượng cao nhất. Những nước xuất khẩu hàng đầu là Na Uy, chủ yếu cá trích Atlantic và cá thu mackerel. Ngoài ra, EU, Trung Quốc và châu Phi là những địa chỉ xuất khẩu quan trọng. Nhờ trữ lượng lớn cá trích sardine, Morocco là nước xuất khẩu cá biển nhỏ lớn thứ 4 về khối lượng và thứ 2 về giá trị, chủ yếu xuất sang EU. Nigeria là một trong 5 nước nhập khẩu cá biển lớn nhất thế giới. Năm qua, xuất khẩu cá biển từ EU sang Nigeria 140.000 tấn.
Khai thác thủy sản ở Mexico – Ảnh:Edy
Bột cá và dầu cá gặp khó
Dầu cá và bột cá là những sản phẩm của ngành công nghiệp cá biển nhỏ ngoài khơi. Hai sản phẩm này có khối lượng giao dịch khá lớn trên toàn cầu; trong đó Peru là nước xuất khẩu và chế biến bột cá hàng đầu. Hầu hết bột cá Peru xuất sang Trung Quốc, 500.000 tấn/năm 2014. Tuy nhiên, năm 2014 và 2015, ngành bột cá Peru đối mặt khó khăn lớn, khi vụ khai thác cá cơm mùa thứ hai/2014 buộc phải đóng cửa do hiện tượng El Nino.
Thân mềm – cần tìm thị trường riêng
Với tổng giá trị giao dịch sản phẩm thân mềm gần 6 tỷ USD/năm, Trung Quốc là nước nhập khẩu và xuất khẩu thân mềm lớn nhất; tổng khối lượng khẩu 445.000 tấn, nhập khẩu 362.000 tấn. Xuất khẩu thân mềm của Trung Quốc ước đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Mỹ. Những nước xuất khẩu bạch tuộc, mực ống và cuttlefish chủ đạo là Peru, Ấn Độ, Mỹ. Xét về giá trị, EU là nước nhập khẩu thân mềm lớn nhất, giá trị vượt 1,2 tỷ USD/năm. Morocco là đối tác cung cấp thân mềm quan trọng nhất của EU, với khối lượng trên 68.000 tấn, giá trị vượt 360 triệu USD.
Cá thịt trắng – đối thủ cạnh tranh đáng nể
Ngành cá thịt trắng là phân khúc đa dạng và lớn nhất trong ngành công nghiệp thủy hải sản. Đây là những sản phẩm có khối lượng giao dịch lớn nhất, hơn 4 tỷ tấn/năm, giá trị trên 12 tỷ USD, chỉ sau nhóm giáp xác và cá hồi. Cá khai thác tự nhiên chủ yếu là các loại cá đáy như cá tuyết cod, cá minh thái biển Bering và Barents. Những nước khai thác và xuất khẩu chính các sản phẩm này là Nga, Na Uy, Mỹ; trong đó một lượng lớn cá thịt trắng của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến và tái xuất.
Ngành công nghiệp cá thịt trắng nuôi cũng đang nở rộ. Cá thịt trắng nuôi tại châu Á chủ yếu cung cấp cho Mỹ và châu Âu. Trung Quốc hiện là nước nuôi cá rô phi chủ đạo, chủ yếu xuất sang Mỹ. Việt Nam hiện là nước nuôi cá tra, basa lớn nhất thế giới để cung cấp cho châu Âu, Mỹ.
Những năm tới, thị trường thịt trắng sẽ xoay hướng sang các nhà sản xuất Mỹ Latinh (cũng đang tham vọng tấn công thị trường cá thịt trắng tại Mỹ). Hiện, những nước này chỉ xuất khẩu lượng nhỏ fillet cá thịt trắng, nhưng đang có lợi thế về địa lý để đẩy mạnh sản xuất cũng như thuận lợi tiếp cận nguồn lợi tự nhiên và nguồn thức ăn giá thấp.
Nhuyễn thể có vỏ – giao dịch hạn chế
Sản lượng nhuyễn thể có vỏ toàn cầu khoảng 22 triệu tấn năm 2012 và đang tăng nhanh, nhưng giao dịch khá hạn chế do giá trị thấp. Tổng khối lượng giao dịch dưới 1 triệu tấn/năm, nhưng chỉ những sản phẩm giá trị cao (hàu, ngao, sò điệp, vẹm) mới có sức hút, với tổng giá trị trên 5 tỷ USD.
Trung Quốc là nước xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ lớn nhất thế giới, với 30% thị phần, tương đương 242.000 tấn/năm, đạt giá trị 1,4 tỷ USD; kế đó là Tây Ban Nha, New Zealand. Với hàu, Hàn Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Cá hồi nuôi Atlantic “lên ngôi”
Quy mô ngành công nghiệp cá hồi tương đối nhỏ nếu tính theo khối lượng, nhưng nhờ giá trị cao nên tổng xuất khẩu vượt 14 tỷ USD/năm 2013. Sản xuất cá hồi tập trung ở Chile, Na Uy, Canada, Anh. Cá hồi tự nhiên khai thác tại Nga và Mỹ lại chủ yếu được chế biến ở châu Á, nhất là Trung Quốc.
Na Uy vẫn giữ ngôi đầu bảng xuất khẩu cá hồi, với khối lượng trên 1 triệu tấn/năm, và là nhà cung cấp cá hồi chính tại châu Âu và Nga. Tiếp đến là Chile, với sản lượng cá hồi lớn thứ 2 thế giới, xuất khẩu 500.000 tấn và là nhà cung cấp chính tại Mỹ, Nhật Bản, Brazil. Từ tháng 8/2014, khi Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu, giao dịch cá hồi có nhiều chuyển biến; xuất khẩu cá hồi Chile đổ dồn sang Nga, trong khi Na Uy phải chuyển hướng sang Mỹ, EU và một số thị trường mới nổi ở châu Á, Trung Đông.
>> Ngành công nghiệp thủy sản và các giao dịch thương mại sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản vẫn là những thị trường có sức tiêu thụ lớn và ổn định nhất. Vai trò ngành nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng, nhất là cá thịt trắng nước ngọt, tôm và cá hồi dần trở thành mặt hàng quan trọng trong thương mại thủy sản toàn cầu. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến cao cấp hơn, còn ngành thủy sản sẽ tập trung phục vụ nội địa. |