Điểm tựa giúp ngư dân bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Việt Nam có bờ biển dài hơn 3000km với cộng đồng ngư dân đông đúc. Ý chí vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn có trong tiềm thức mỗi ngư dân nhưng hiểm họa biển khơi lại luôn rình rập họ. Bên cạnh các hình thức hỗ trợ ngư dân trước đây, thì việc thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân được cho là một hành động thiết thực để tạo điểm tựa cho ngư dân an tâm đi biển.

Giới hạn hỗ trợ từ ngân sách

 

Hàng năm, ngư dân nước ta không chỉ chịu cảnh sóng bão đe dọa mà có hàng trăm ngư dân bị tàu nước ngoài bắt giữ, thu giữ ngư cụ, sản phẩm và đòi tiền chuộc. Ngoài ra, lệnh cấm khai thác của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam cũng khiến nhiều ngư dân lao đao.

 

Chỉ riêng ở Quảng Ngãi, từ năm 2005 đến nay, đã có 33 tàu cá với 373 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ trái phép, bị đòi tiền chuộc, bị thu tàu, ngư cụ. Từ tháng 5/2009 – 6/2010, đã có ít nhất 12 tàu thuyền đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt giữ trái phép. Có ngư dân chưa đầy 1 năm, bị bắt đến 2 lần, như ông Nguyễn Tấn Lự, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Ông Tiêu Viết Là ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu có đến bốn lần bị tàu nước ngoài bắt và tịch thu tài sản. Trước hiện trạng đó, nhiều ngư dân buộc phải nghỉ đi biển để chuyển đổi sang nghề khác. Nhiều hộ sau khi chuộc lại người và tàu thì rơi vào cảnh trắng tay. Cũng có nhiều hộ phải chấp nhận hiểm nguy, quay lại nghề khơi thì mới có thu nhập nuôi sống gia đình.

 

Hàng năm, chính quyền các địa phương có ngư dân bị bắt, bị thiệt hại về người và của do khai thác trên biển đều có nguồn ngân sách hỗ trợ, giúp đỡ để ngư dân vượt qua khó khăn. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hỗ trợ 332 triệu đồng cho 29 phương tiện của ngư dân gặp nạn trên biển trong thời gian từ 1/5/2009 đến 30/9/2009. Không chỉ ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, mà vợ, con, cha mẹ… của họ cũng được hỗ trợ gạo với mức 15 kg gạo x 3 tháng/người; tùy theo từng trường hợp cụ thể, họ còn được hỗ trợ từ 40 – 120 triệu đồng/tàu thuyền bị nước ngoài tịch thu. Đến nay, UBND tỉnh đã chi hỗ trợ cho các trường hợp trên hơn 1 tỉ đồng.

 

Tàu bị sóng đánh mắc cạn trên gành đá trong âu tránh bão           Ảnh: Huy Hùng

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đang trình UBND tỉnh này thông qua đề án hỗ trợ ngư dân nâng cấp công suất tàu thuyền để vươn khơi. Theo đó, với tàu đóng mới sử dụng máy thủy mới 100%, có công suất từ 90 đến dưới 250CV, hỗ trợ 80 triệu đồng mỗi tàu; từ 250CV đến dưới 400CV, hỗ trợ 100 triệu đồng; từ 400CV trở lên, hỗ trợ 120 triệu đồng…

 Nhưng, con số hỗ trợ cũng phải hạn chế và cũng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể vì số trường hợp cần được hỗ trợ hiện quá nhiều, trong khi nguồn ngân sách của địa phương có hạn. Các chủ phương tiện muốn nhận được hỗ trợ phải thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước… Hiện nay, ngoài Quyết định 289 của Chính phủ, trên cả nước ta đã có những quỹ hướng tới hỗ trợ ngư dân như: Quỹ Nhân đạo nghề cá, Quỹ Hỗ trợ trẻ em nghèo ven biển… nhưng hoạt động của các quỹ cần có sự thống nhất và đa dạng để có thể giải quyết từng vấn đề cụ thể của từng địa phương, trong các hoàn cảnh khác nhau.

 

Có nên lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân?

 

Tuy được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhưng con số thiệt hại mà mỗi ngư dân hàng năm phải gánh chịu lại lớn hơn hàng chục, thậm chí đến hàng trăm lần số tiền được hỗ trợ. Điều mà ngư dân mong muốn là có một “điểm tựa” thật vững chắc để họ tự tin vươn khơi. Và ý tưởng về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ cho ngư dân đối với những trường hợp rủi ro, bị nước ngoài bắt giữ trái phép khi hoạt động đánh bắt tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, do UBND tỉnh Quảng Ngãi khởi xướng đã nhận được sự đồng tình của đông đảo ngư dân và các Sở NN&PTNT nhiều địa phương. Tuy nhiên, “Vấn đề thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân mới là ý tưởng. Chúng tôi đang xây dựng phương án, điều lệ, tờ trình để xin thành lập, nhưng còn nhiều vấn đề giải quyết theo thủ tục quy định của Nhà nước” – ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết.

 

Cho dù mới chỉ là ý tưởng, nhưng nhiều ngư dân mong muốn và hi vọng quỹ này sẽ được hiện thực hóa. Đồng thời mong muốn Quỹ Hỗ trợ ngư dân không nên dừng lại ở việc hỗ trợ xăng dầu, ngư cụ… mà chú trọng cho ngư dân vay vốn để trang bị tàu hiện đại, công suất cao hơn để phá vỡ thế bó hẹp ngư trường. Quỹ này đi vào thực tế sẽ là nguồn động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, mưu sinh một cách hợp pháp trên lãnh hải Việt Nam và góp phần khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo.

 

Nếu đi vào thực hiện, quỹ sẽ đáp ứng phần nào mong muốn ổn định tâm lý để sản xuất của ngư dân. Nhưng quá trình thành lập, vận động quỹ và thực hiện hỗ trợ sẽ cần có thời gian và kế hoạch cụ thể. Quan trọng hơn, quỹ không chỉ dừng lại ở một địa phương mà phải có sự liên kết bởi nhiều địa phương trong cả nước, thì mới có sức lan tỏa mạnh mẽ. “Nên kết nối quỹ này với Quỹ Hỗ trợ thiên tai Trung ương hoặc liên thông quỹ các địa phương với nhau để có điều phối giúp đỡ ngay cho ngư dân, bất kể họ đang ở địa phương nào” – đó là ý kiến của ông Đào Công Thiên – Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa.

>> PGS.TS Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khuyến cáo: “Thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân là một ý tưởng hay. Nhưng trước hết, ngư dân đi biển phải hiểu về luật biển Việt Nam và thế giới; hiểu luật đánh bắt trên các ngư trường… để thực hiện nghiêm chỉnh, tránh trường hợp bị bắt giữ do vi phạm. Muốn vậy, chính quyền địa phương cần mở nhiều lớp tuyên truyền đến ngư dân. Thêm đó, mỗi tàu thuyền ra khơi phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và thông tin liên lạc, đặc biệt là phải liên hệ mật thiết với đất liền, đồng thời phải thành lập tổ đội để kịp thời giúp nhau khi gặp bão hay bất trắc xảy ra trên biển.”

Ngọc Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!