Điện Biên: Phòng, chống dịch bệnh cho cá ở Mường Ảng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời điểm này, nắng nóng kéo dài, biên độ dao động nhiệt ngày và đêm lớn là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh gây hại cho thủy sản nuôi. Tại huyện Mường Ảng, Điện Biên, nông dân đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cá nuôi tại địa phương.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng, hiện đang là thời điểm nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao có thể lên đến 10oC. Khi nhiệt độ nước tăng cao sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất của các vi sinh vật trong hệ sinh thái ao nuôi, đặc biệt là các loài tảo phát triển mạnh, trong đó các loài tảo độc như: Tảo lam, tảo mắt… sẽ làm giảm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước. 

Mặt khác, khi nhiệt độ nước tăng cao cũng là điều kiện thuận lợi để các loài vi khuẩn, ký sinh trùng, virus phát triển và gây bệnh cho đàn cá nuôi. Việc chủ động quản lý nhiệt độ nước trong ao có vai trò rất quan trọng trong thâm canh thủy sản vì nhiệt độ nước ổn định sẽ hạn chế tối đa việc phát triển các mầm bệnh, giúp cá nuôi tăng sức đề kháng, tỷ lệ sống đạt cao, sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao năng suất và hiệu quả đầu tư của người dân.

Ảnh minh họa

Được biết, huyện Mường Ảng hiện có 140 ha ao, 23 ha hồ chứa nước nuôi cá lồng. Để hạn chế dịch bệnh cho cá nuôi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã đưa ra khuyến cáo:

Quản lý mực nước ao nuôi, cần duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu 1,5 m để hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ làm cá bị sốc do tăng nhiệt độ trong ao; sử dụng bèo tây, rau muống… phủ 1/3 mặt ao giữ cho môi trường nước ổn định và mát mẻ. 

Quản lý hàm lượng ôxy hòa tan trong nước bằng các biện pháp bơm thêm nước sạch vào ao; sử dụng các thiết bị bổ sung ôxy hòa tan như: Máy phun mưa, quạt nước, sủi khí vào ban đêm từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. 

Thường xuyên vệ sinh môi trường nuôi đối với nuôi ao, định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi bột hòa nước té khắp mặt ao với lượng 2 kg/100 m3 tùy theo pH nước để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh. Tuyệt đối không đưa phân chuồng trực tiếp xuống ao, nếu sử dụng phân hữu cơ phải được ủ hoai, ủ vôi với lượng 2 – 3% vôi cho 100 kg phân, ủ phân một tháng sau đó bón xuống ao để tránh mầm bệnh. Sử dụng các loại hóa chất rõ nguồn gốc xử lý môi trường hoặc dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước. Khi vào mùa mưa, mưa lớn sẽ làm pH nước thay đổi lớn vì vậy tuyệt đối không để nước mưa chảy thành dòng vào ao, có thể kéo theo bùn đất, rác, nước thải… gây sốc cá và chết hàng loạt. 

Nên khơi thông các rãnh quanh bờ ao cho nước chảy đi nơi khác. Đối với cá nuôi lồng bè cần treo các túi vôi ở các góc lồng vừa phòng bệnh vừa giúp ổn định nồng độ pH. 

Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng việc bổ sung từ 3 – 5 g Vitamin C/kg thức ăn; phòng bệnh cho cá bằng cách xay tỏi trộn vào thức ăn, liều lượng 1 kg tỏi/tạ cá, 15 ngày cho ăn 1 lần, hoặc dùng một số loại thuốc có nguồn gốc thảo dược khác. 

Cho cá ăn vào thời điểm mát mẻ trong ngày (từ 7 – 9 giờ và từ 16 – 18 giờ), loại bỏ hết thức ăn thừa, cành, lá cây, xác cá và súc vật… ra khỏi ao nuôi.

Ngoài ra, để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn cá trong mùa mưa bão, khuyến cáo người dân tiến hành thu hoạch khi cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa lũ. Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển đến nơi có dòng chảy nhẹ để tránh mưa lũ làm hỏng lồng. Mực nước và tốc độ dòng chảy sẽ tăng lên khi có mưa lũ. Do đó ở những nơi có dòng chảy lớn cần dùng tấm chắn, bạt che chắn phía trước lồng nuôi làm giảm dòng chảy trực tiếp vào lồng, ngăn chặn các vật rắn, gỗ làm hư hỏng lồng gây thất thoát cá ra ngoài. Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.

An Nhiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!