(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 25/3/2011, Cuộc thi viết “Điển hình Lao động giỏi ngành Thủy sản Việt Nam” lần thứ nhất do Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp tổ chức đã chính thức khép lại với Lễ trao giải được diễn ra tại Hà Nội.
Nét đẹp từ người thật, việc thật, chuyện thật
Ngay từ khi mới phát động, Cuộc thi viết đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Qua cuộc thi, chân dung những “anh hùng chân đất” của ngành thủy sản Việt Nam được phác họa một cách rõ nét nhất, chân thực nhất.
Hơn một trăm tác giả với hơn một trăm tác phẩm dự thi, số lượng đó không lớn so với các cuộc thi viết được phát động trên toàn quốc, nhưng lại rất có ý nghĩa, vì đây là cuộc thi dành riêng cho những người “trót” gắn cuộc đời mình với con cá, con tôm, với những đầm, những ao. Họ đi lên từ bàn tay trắng, trải bao khó khăn, nếm trải không ít cay đắng, thất bại, mồ hôi, nước mắt mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Như doanh nhân Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hùng cá ở Đồng Tháp, như người nông dân miền Tây chân chất Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu, hay ông Huỳnh Văn Minh ở Tư Nghĩa – Quảng Ngãi… hay những người phải vượt qua cái nghèo khó trong hoàn cảnh không được số phận ưu ái, như anh Nguyễn Văn Mỵ ở làng biển Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình…
Nét đẹp của họ không chỉ là tấm gương vượt khó làm giàu, mà còn ở tấm lòng, phú quý không quên bần hàn, sau khi thành đạt, họ còn sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và rất nhiều việc có ích cho xã hội… Đó thực sự là những tấm gương sáng của xã hội, như tác giả Lê Văn Luận tâm sự: Những việc làm của họ cần phải để mọi người biết tới, bởi những việc đó của họ tuy nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn cho cộng đồng và cho xã hội.
“Vua” tôm Sáu Ngoãn – Một điển hình Lao động giỏi ngành thủy sản Việt Nam Ảnh: Thanh Nhã
Khắc họa chân dung người lao động
Cuộc thi nhanh chóng thu hút sự quan tâm của mọi người vì được tổ chức vào những dịp đáng nhớ của ngành thủy sản Việt Nam, ngày thành lập của Tổng cục Thủy sản, Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt, cuộc thi càng có ý nghĩa khi xuất hiện vào thời điểm Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương “tam nông”, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, những người lao động trực tiếp trong ngành thủy sản chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng – vị trí của ngành kinh tế mũi nhọn. Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2010, đồng chí Tô Huy Rứa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: Gương người tốt việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới, hình ảnh đất nước tươi mới, năng động, giàu sức vươn lên phải là chủ đề nổi bật, là dòng thông tin chủ lưu xuyên suốt trên báo chí…
Cuộc thi với sự góp sức của các nhà báo, cộng tác viên chuyên nghiệp và không chuyên đã góp phần tôn vinh những người lao động trong ngành thủy sản, cùng gắn bó, sẻ chia những khó khăn vất vả với người nông dân, đồng cảm và khích lệ những dự định, những cách làm hay, những ý tưởng sáng tạo và đôi khi còn có cả sự mạo hiểm. Họ vừa là người viết, vừa là nhân chứng, là người thẩm định, người kể chuyện hay nhất, đầy đủ nhất cho bạn đọc…
Thành công của lần đầu tiên phát động, Cuộc thi viết “Điển hình lao động giỏi ngành Thủy sản Việt Nam” đã chính thức được phát động lần thứ hai. Hy vọng trong một năm tới đây, Ban Tổ chức sẽ nhận được nhiều hơn nữa những tác phẩm hay, sinh động, khắc họa rõ nét hình ảnh những người lao động giỏi trong ngành thủy sản ở nhiều vùng quê và dưới nhiều góc độ của đời sống những người làm thủy sản.
>> Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam:
“Cuộc thi nhằm tôn vinh những người lao động giỏi ngành thủy sản, ở tất cả các lĩnh vực từ học tập đến người nuôi, người sản xuất, những người khai thác, chế biến, các doanh nghiệp… đặc biệt là những ngư dân khai thác trên biển. Bởi họ vừa là những người sản xuất, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trong điều kiện còn nhiều nguy hiểm. Họ chưa phải là những người sản xuất giỏi nhưng vẫn thường xuyên đảm bảo được cuộc sống, cũng như thể hiện chủ quyền trên biển”.
Thu Hồng