(TSVN) – Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Vương quốc Anh về điều chỉnh mẫu chứng thư cho các lô hàng xuất khẩu.
Từ 2021, nước Anh (GB) đã xây dựng Mô hình Hoạt động Mục tiêu biên giới (BTOM) để kiểm soát biên giới đối với nhập khẩu hàng hóa SPS từ tất cả các nước thứ ba vào GB.
BTOM bao gồm cam kết điều chỉnh hợp lý định dạng và nội dung của Giấy chứng nhận y tế xuất khẩu (EHC) động vật và sản phẩm động vật vào GB. Giấy chứng nhận điều chỉnh được áp dụng từ ngày 30/4/2024. (Cơ quan thẩm quyền Anh cũng lưu ý không nên sử dụng trực tiếp các mẫu giấy chứng nhận từ web Gov.UK, các cơ quan thẩm quyền phải soạn thảo giấy chứng nhận bao gồm tất cả thông tin, số giấy chứng nhận GB, số phiên bản).
Ảnh minh họa
Theo đó, từ 30/4/2024, BTOM sẽ áp dụng phân loại rủi ro đối với hàng hóa từ các nước thứ ba (trong đó có Việt Nam), bao gồm rủi ro cao, trung bình và thấp. Việc phân loại này cung cấp thông tin chi tiết về cách thức sẽ áp dụng chế độ vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) mới. Những lô hàng được phân loại rủi ro thấp sẽ không yêu cầu EHC để được nhập khẩu vào GB và chỉ yêu cầu các tài liệu thương mại. Các lô hàng có rủi ro cao và trung bình sẽ tiếp tục yêu cầu EHC. Việc phân loại rủi ro theo đánh giá khoa học về rủi ro an toàn sinh học và an toàn thực phẩm từ các mặt hàng, có cân nhắc từ nguy cơ dịch bệnh của quốc gia xuất xứ.
Do vậy, để đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vào GB cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định mới nêu trên của Vương quốc Anh trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường GB; Chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để có thông tin yêu cầu cụ thể của cơ quan kiểm soát cửa khẩu GB, tránh các vướng mắc khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường này. Đồng thời thực hiện khai báo chính xác, đầy đủ thông tin khi đăng ký kiểm tra, chứng nhận xuất khẩu vào thị trường GB theo đúng quy định và theo hướng dẫn tại Phụ lục gửi kèm.
Cùng đó, các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng tổ chức nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc địa bàn thực hiện các yêu cầu của GB đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, thực hiện thẩm định, cấp chứng thư theo mẫu Chứng thư mới nêu tại Phụ lục kèm theo cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường GB đúng quy định.
Phạm Thu