Điều trị cá bớp đã bị bệnh đốm trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá bớp ăn kém, chậm lớn, đã chết một vài con. Kiểm tra nội tạng các nốt trắng trên gan, thận, một số bộ phận trong nội tạng bị hoại tử. Hỏi đây và bệnh gì và biện pháp xử lý như thế nào?

(Phạm Duy Cảnh, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa)

Trả lời:

Theo mô tả có thể cá bớp đã bị bệnh đốm trắng, tác nhân gây bệnh được xác định chủ yếu là do vi khuẩn Photobacterium damselae, các dấu hiệu lâm sàng giống như các bệnh khác của cá bớp, bao gồm: cá ăn kém, chậm lớn, lở loét trên da.

Bệnh thường gặp ở cá giống khi nhiệt độ nước giảm (Liu và cộng sự, 2003). Cá bệnh có thể chết sau 5 – 10 ngày với tỷ lệ chết rất cao từ 80 – 100%, và đã gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều hộ nuôi ở các nước. Ở Việt Nam, bệnh phân bố ở hầu hết các vùng nuôi trên cả nước. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, mùa có nhiệt độ thấp trong năm.

Trị bệnh: Cách ly cá bệnh, người nuôi có thể tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn. Các loại kháng sinh sử dụng cho ăn bao gồm Doxycycline và Rifamycin tỷ lệ 1:1, liều lượng sử dụng là 25 – 30 mg/kg cá/ngày. Cho cá ăn liên tục trong 7 ngày.

Tắm cá bằng Formalin, nồng độ là 150 – 200 ml/m³ nước biển.

Người nuôi cần lưu ý là các biện pháp trên chỉ phần nào làm giảm nguy cơ diễn biến của bệnh và tăng sức đề kháng cho cá bởi hiện hầu như chưa có một loại thuốc hoặc phương pháp điều trị cụ thể nào được công bố.

Để phòng bệnh, cần giữ cho môi trường nước sạch sẽ, lồng lưới thông thoáng. Sử dụng cá tạp tươi, thức ăn hỗn hợp có chất lượng tốt. Định kỳ 2 tháng tắm cho cá một lần bằng dung dịch thuốc tím (KMNO4) nồng độ 5 ppm trong thời gian 15 – 20 phút. Khi phát hiện cá bệnh, cần nuôi cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Nếu cá chết phải vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra vùng nuôi nhằm tránh lây lan bệnh.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!