Dinh dưỡng tăng đề kháng cho thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hệ miễn dịch là tấm áo giáp chắc chắn bảo vệ cơ thể vật nuôi khỏi các tác nhân xâm hại. Nếu hệ miễn dịch suy yếu, thủy sản sẽ dễ bị tấn công bởi các loại virus, vi khuẩn. Do đó, trong quá trình nuôi, cần có giải pháp nâng cao sức đề kháng cho thủy sản, đảm bảo chất dinh dưỡng giúp chúng phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao.

Vitamin

Mặc dù nhu cầu về vitamin của thủy sản thấp, nhưng chúng vẫn không thể thiếu được. Khi thiếu vitamin chức năng trao đổi chất của cơ thể bị rối loạn, là nguyên nhân của chứng bệnh về dinh dưỡng. Bổ sung vitamin cho tôm, cá trong điều kiện nuôi thâm canh không những thúc đẩy tăng trưởng mà còn ngăn chặn được những rối loạn bệnh lý do thiếu vitamin.

Thường xuyên bổ sung vitamin để tăng đề kháng cho thủy sản. Ảnh: Hoa Phương

Cơ thể thủy sản không thể tự tổng hợp được vitamin mà phải do thức ăn cung cấp hoặc do vi sinh vật đường ruột tổng hợp. Các loại vitamin cần thiết cho cơ thể bao gồm Vitamin C, B1, B6, B12, A, D, E, K, trong số đó Vitamin C có ý nghĩa quan trọng hơn cả. Bởi trong khi hầu hết các động vật khác có khả năng tổng hợp Vitamin C từ glucuronic acid thì cá và giáp xác lại thiếu enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp (Dabrowki, 1990). Chính vì thế Vitamin C của động vật thủy sản được hấp thu chủ yếu từ thức ăn.

Thức ăn có hàm lượng Vitamin C cao có lợi ích cho việc giảm stress của cá (Hardie và ctv, 1991). Theo Nguyễn Duy Giảng (2006), Vitamin C giúp cho sắt được hấp thụ tốt. Thức ăn thiếu Vitamin C là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng bệnh lý như bệnh vẹo cột sống ở cá và bệnh chết đen ở tôm. Ở giai đoạn ấu trùng tôm, cá cần nhiều Vitamin C hơn giai đoạn trưởng thành, nó không những làm gia tăng tốc độ sinh trưởng mà còn làm tăng sức đề kháng của ấu trùng (Dabrowski và ctv, 1988).

Khoáng

Mặc dù chỉ chiếm một lượng nhỏ trong cơ thể động vật thủy sản nhưng khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng của cơ thể động vật thủy sản, giúp chúng nhanh lớn và tăng cường hệ miễn dịch.
Khoáng là chất tham gia cấu tạo nên tế bào chủ yếu tập trung ở xương, đóng vai trò điều hòa và xúc tác. Khoáng được sử dụng để cân bằng áp suất thẩm thấu giữa cơ thể và môi trường. Cân bằng acid, base (K, Na, Cl, PO4 và protein), điều hòa tác dụng của enzyme (Mg, Cu, Fe, Mn, Mo và Co).

Hiện có khoảng 60 chất khoáng trong cơ thể sinh vật và được chia làm 2 nhóm: nhóm khoáng đa lượng (Ca, P, K, Na, Cl, S, Mg…) và nhóm khoáng vi lượng (Fe, Zn, Cu, Mn, I, Co, Mo…).

Trong quá trình nuôi cần cung cấp thêm một phần chất khoáng bằng cách sử dụng các sản phẩm bổ sung chất khoáng có bán trên thị trường. Mức độ bổ sung 0,5 – 2% khẩu phần ăn. Tùy thành phần, liều lượng của các sản phẩm và từng giai đoạn phát triển của thủy sản, người nuôi có thể phối trộn với thức ăn theo tỷ lệ của nhà cung cấp sản phẩm.

Các chất kích thích miễn dịch

Chất kích thích miễn dịch là những chất có trong tự nhiên giúp tăng cường khả năng kháng bệnh. Các chất này được đưa vào cơ thể thủy sản thông qua việc cho ăn. Các chất kích thích miễn dịch có thể thay thế vaccine và hóa chất điều trị, đồng thời chúng cũng sẽ không gây hiện tượng kháng thuốc trên thủy sản. Qua các thí nghiệm cho thấy, hợp chất này có tác động tích cực hơn vaccine, và đang được thử nghiệm để chống lại virus gây bệnh đốm trắng trên tôm.

Bản chất của sản phẩm kích thích miễn dịch có thể là protein, glycoprotein, polysaccharide, lypopolysacchride. Trên thị trường có một số loại với tên thương mại như: Beta 1,3 glucan, Beta (peptide-glucan), Beta-min (beta 1,3/1,6 glucan và Beta-glutamin.
Sử dụng sản phẩm có hiệu quả tăng tỷ lệ sống sót, tăng sức đề kháng, ít bị bệnh và vật nuôi có khả năng chống chịu cao.

Chế phẩm sinh học (Probiotic)

Chế phẩm sinh học hay còn gọi probiotic là sản phẩm có chứa sinh vật sống nhằm mục đích cải thiện và nâng cao sức khỏe thủy sản. Chế phẩm sinh học ngày nay không còn xa lạ đối với người nuôi. Hiện, chế phẩm sinh học có 2 nhóm, ngoài nhóm dùng để xử lý môi trường ao nuôi, còn có nhóm trộn vào thức ăn cho tôm, cá. Người nuôi cần định kỳ bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nhằm đảm bảo vi khuẩn có lợi tồn tại trong ao với số lượng lớn, cũng như để phòng bệnh cho động vật thủy sản.

Bản chất của sản phẩm là vi khuẩn sống nên khi đã sử dụng chế phẩm sinh học cho thủy sản ăn cũng như chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước thì không dùng song song với kháng sinh hay các chất sát khuẩn (formol, iodine…).

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!