Cá hồi du nhập vào Phần Lan cách đây vài thập kỷ và dần trở thành đối tượng nuôi chủ lực. Trải qua nhiều thăng trầm, ngành công nghiệp cá hồi Phần Lan từng bước phát triển mạnh, với sản phẩm chất lượng cao, khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.
Khởi đầu khó khăn
Cá hồi vân là đối tượng nuôi phổ biến nhất tại Phần Lan. Từ năm 2008, Phần Lan có 500 trại cá giống và ao nuôi cá hồi vân tự nhiên. Sản lượng cá hồi đạt 13,4 triệu kg, tương đương 42 triệu Euro, trong đó, sản lượng cá hồi vân chiếm 12,6 triệu kg. Không chỉ cung cấp thịt, cá hồi vân là đối tượng nuôi chủ lực cung cấp trứng cá tại Phần Lan.
Nhưng việc nuôi cá hồi không thuận lợi ngay từ đầu do dịch bệnh liên tiếp bùng phát như dịch cá hồi nhiễm khuẩn salmonella năm 2012 khiến ngành công nghiệp cá hồi Phần Lan gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Bên cạnh đó, người nuôi cá ở xứ lạnh còn gặp phải rất nhiều khó khăn khi đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước tăng dần lên. Nhiều loài ký sinh và virus gây bệnh càng phát triển mạnh hơn, ôxy khó hòa tan trong môi trường nước ấm dẫn tới cá giống chết vì thiếu ôxy. Trước tình hình đó, một số trại nuôi đã chuyển sang đối tượng khác dễ thích nghi với môi trường nước ấm hơn cá hồi như cá da trơn, cá chép và một số loài cá nước ngọt được nhập về từ Trung Âu. Tuy nhiên, việc nuôi các giống cá mới lại làm tăng lượng cá thoát từ trại ra môi trường nước tự nhiên, dẫn tới nguy cơ mầm bệnh lây lan.
Chọn giống hiệu quả
Để ngành cá hồi không bị khủng hoảng vì ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, Phần Lan đã khởi động chương trình chọn giống cá hồi từ năm 1992. Chương trình này gồm 3 bước chuẩn bị: đánh giá tính khả thi của chương trình qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu cá nuôi và tìm hiểu các chương trình chọn giống đang thực hiện; nghiên cứu rà soát, đánh giá và lập kế hoạch; cụ thể, tập trung vào phân tích và đánh giá hệ số di truyền cho 10 dòng cá theo định hướng chọn giống; bước cuối cùng là tạo quần đàn ban đầu. Theo đó, 4 dòng cá tốt nhất được tuyển chọn để lai tái tổ hợp qua 2 thế hệ nhằm tạo quần đàn ban đầu cho quá trình chọn giống.
Thời gian đầu, chương trình chọn giống của Phần Lan tập trung vào các tính trạng sinh trưởng, sau đó, chương trình tiếp tục mở rộng thêm các tính trạng về ngoại hình, khả năng thích nghi (năm 2001), tính trạng về sức đề kháng (năm 2004). Những năm tiếp theo chương trình tập trung vào tính trạng chất lượng, nâng cao tỷ lệ sống và được mở rộng cho chọn giống đối với các loài cá thịt trắng châu Âu khác.
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh
Hằng năm, tại Phần Lan, các chuyên gia của Tổ chức Sức khỏe động vật Thế giới (OEI) đều tiến hành đánh giá hiệu quả thú y vùng, kiểm soát sức khỏe động vật thủy sản, cải thiện bền vững các dịch vụ thú y thủy sản bằng các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Phần Lan thiết lập và kiểm soát chặt chẽ các vùng sản xuất an toàn, sạch bệnh, phát triển vắc xin phòng bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh. Đó là cách người nuôi chủ động ngăn ngừa dịch bệnh lây lan giữa các trại giống cũng như trại giống với các vùng nuôi thương phẩm.
Tại Phần Lan, việc sử dụng hạn ngạch nuôi cá hồi cho các vùng trên lãnh thổ được coi là công cụ quản lý hiệu quả trong việc bình ổn giá cá nguyên liệu, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh. Tương tự Na Uy, Phần Lan kiểm soát sản lượng cá hồi nuôi hàng năm rất chặt chẽ, tránh tình trạng khủng hoảng thừa, việc tăng giảm sản lượng nuôi dựa trên nghiên cứu khoa học, thông tin về tình hình thị trường từ các tổ chức nghiên cứu và hiệp hội xuất khẩu thủy sản.
Theo ông Unto Eskeline, chuyên gia nuôi trồng thủy sản tại Viện Nghiên cứu Thủy sản Phần Lan (FGFRI), thành công của Chính phủ Phần Lan không chỉ là phát triển công nghệ, đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động nuôi, mà quan trọng hơn cả là thay đổi được hành vi của người nuôi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.
>> Năm 1996, trọng lượng trung bình cá hồi vân tại Phần Lan chỉ đạt 0,8 kg/con, nhưng đã tăng lên 1,8 kg vào năm 2008, đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất được nâng cao do chu kỳ nuôi ngắn hơn, hệ số thức ăn thấp, tỷ lệ sống cao. |