“Đỡ đầu” cho cá nước lạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – TS Lê Thanh Lựu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1 vốn gắn bó với con cá nước lạnh qua 6 năm học đại học cộng thêm 3 năm nghiên cứu sinh ở Nga. Về nước, gót chân ông đi mòn nhiều nguồn sông, con suối, lắm thác ghềnh cheo leo heo hút ở các tỉnh miền núi. “Thủy sản nước lạnh ở ta chẳng có gì ngoài vài con cá suối con con. Sao không nhập cá nước lạnh về nuôi?” – chặng đường “đỡ đầu” cho cá nước lạnh ở Việt Nam của TS Lê Thanh Lựu bắt đầu từ đây.

Ý tưởng táo bạo

Ý tưởng đó cho đến tận bây giờ vẫn bị không ít nhà môi trường “độp” lại vì họ e ngại ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, vì chưa có đánh giá tác động môi trường, vì… Ông Lựu cũng không ngần ngại “phản pháo” rằng: “Nói thế thì thuỷ sản Việt Nam có cái gì? Cá mè, cá trắm là nguồn Trung Quốc, cá trôi nguồn Ấn Độ, đến cá trê, rô phi cũng nguồn gốc châu Phi… Cá tầm không phải là cá dữ. Cá hồi có khả năng ảnh hưởng đến hệ sinh vật nhưng nó chỉ ở vùng lạnh, không xuống dưới khu hệ nhiệt đới được bởi cứ trên 250C là chết. Cứ như các nhà khoa học hàn lâm thì chẳng dám nhập con gì cả. Tôi chỉ sợ không có con nào nuôi mới là vấn đề đau đầu”.

Cái bắt tay, hợp tác đầu tiên giữa các nhà khoa học thuỷ sản Việt Nam và Phần Lan được mở đầu từ năm 2001. Các chuyên gia Phần Lan từ Trung tâm công nghệ Kuopio và Viện Nghiên cứu Thuỷ sản và Thuỷ sản Thể thao cùng với cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1 đã liên lạc và trực tiếp bàn một số nội dung hợp tác với nhau. Phía Phần Lan thành lập Trung tâm Đổi mới và Trung tâm này đã điều phối các hoạt động hợp tác của các đối tác Phần Lan để cùng với Viện chuẩn bị văn bản dự án giới thiệu cá hồi vân vào Việt Nam. Chuyên gia của hai nước cũng đưa ra kết luận cho rằng cá hồi có thể phát triển tốt ở Việt Nam, đặc biệt các vùng núi cao, và Việt Nam có tiềm năng phát triển bền vững các đối tượng cá nước lạnh.

Một nghiên cứu khả thi về môi trường, kinh tế và thị trường đã được hai bên phối hợp triển khai năm 2003-2004 làm cơ sở cho việc lập trang trại pilot nuôi cá nước lạnh đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam. Trang trại cá hồi vân đầu tiên ở Việt Nam được thành lập tại thị trấn Sapa, Lào Cai vào cuối năm 2004. Các chuyên gia Phần Lan đã chuyên chở trứng cá sang Sapa và phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Viện triển khai việc ấp trứng và ương cá bột hương tại trại pilot. Đợt đầu tiên 150.000 trứng đã thụ tinh nhập vào Việt Nam và được tiếp tục ấp ra thành cá bột, sau đó ương thành cá hương, giống để nuôi cá thịt.

Trong một cuộc họp ở Nga, ông Lựu tranh thủ thời gian rảnh “nằn nì” mấy anh bên Đại sứ quán. Tưởng ông nhờ vả mua hàng lậu, hàng ngoài luồng gì ghê gớm nhưng hoá ra chỉ để dẫn đường đến cơ sở sản xuất giống cá tầm. Xem, mê mẩn rồi, không chờ đợi những thủ tục nhiêu khê, ông Viện trưởng ứng tiền túi mua liền 2 kg trứng cá lạnh, giá mỗi kg vào 3.000 USD, xách tay về nước. Khoảng 20.000 cá tầm giống đã được tạo ra tại Sapa là thành quả của chuyến xuất ngoại ấy.

Có giống, Viện chủ trương phân nhỏ đàn cá tầm để nuôi thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng thích nghi và triển vọng của đối tượng này. Viện lưu lại Trung tâm Sapa 1.200 con, chuyển 2.000 con về hồ chứa Thác Bà, 1.200 con về Trung tâm giống Quốc gia thuỷ sản nước ngọt miền Bắc tại Phú Tảo, Hải Dương và gửi 20 cá giống lớn 1,5-2 kg vào Đà Lạt. Kết quả thử nghiệm thật khả quan, cho thấy với điều kiện nhiệt độ nước dao động từ 22-250C, cá tầm phát triển rất bình thường.

 

Nuôi cá tầm ở Bình Thuận                Ảnh: Huy Hùng

Hưởng ứng dây chuyền

Đầu năm 2007, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 và 3 và Công ty Giang Ly đã phối hợp thử nghiệm thành công ấp và ương cá hồi vân ngay tại Klong Klanh, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm đồng. Viện 1 cũng đã tạo ra đàn cá hậu bị bố mẹ và đã nuôi thành thục đàn cá này. Đầu năm 2008, nhóm chuyên gia kỹ thuật của Viện đã thành công thử nghiệm sản xuất trứng cá hồi. Cuối năm 2008, đã thành công sản xuất nhân tạo 20 vạn cá hương. Việc chủ động sản xuất cá giống để cung cấp cho các vùng nuôi của Việt Nam hoàn toàn trong tầm tay. Từ đợt nhập trứng cá tầm Xiberia từ năm 2005, hiện nay, lượng cá tầm Xiberia hậu bị còn khoảng 1.000 con với các quy cỡ từ 7-22 kg. Đối với cá tầm, tin mừng mới là chúng ta đã phát hiện ra trong điều kiện khí hậu miền Bắc, tuyến sinh dục của cá tầm Xiberia đã phát triển và tạo ra dải trứng ở giai đoạn 3. Như vậy triển vọng tạo được con giống cá tầm cho ngành nuôi cá nước lạnh Việt Nam là có triển vọng.

Thời gian tựa bóng câu qua cửa sổ. Đối với ông Lựu, tháng ngày càng trôi nhanh hơn bởi những chuyến đi nối tiếp chuyến đi cứ thúc giục. Nào là các địa phương, bạn bè, bà con nông dân biết tiếng ông, níu kéo, mời mọc: “Ông lên tư vấn hộ tôi chỗ này, chỗ kia có nuôi nổi cá nước lạnh không”. Ông Viện trưởng nhiệt tình, gật đầu ngay. Ông bảo, cá hồi nuôi được ở Lâm Đồng, Kon Tum và nhiều nơi nước lạnh còn cá tầm diện rộng hơn. Ở Đắk Lắk, Gia Lai, ở vùng Ngọc Linh (Quảng Nam), vùng núi cao Quảng Ngãi, Ninh Thuận, vùng dưới chân Bạch Mã ở Huế, vùng tây Nghệ An, Thanh Hoá. Còn ngoài Bắc, cứ tỉnh nào miền núi đa số nuôi được, thậm chí có thể nuôi ở Thanh Sơn, Phú Thọ, ở chân Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Hễ nơi nào có nguồn nước mát từ rừng, từ núi hoặc nước ngầm, có nhiệt độ dưới 290C là nuôi tốt. Khả năng nuôi có thể được vài chục ngàn tấn. Vì thế chỉ trong vòng mấy năm đã có hàng chục trang trại nuôi cá nước lạnh được xây dựng. Trong thực tiễn, như các ghi nhận, các trang trại sau khi được xây dựng, sản lượng năm sau thường được nâng cao hơn năm trước. Thí dụ, trang trại ông Thắng được xây dựng năm 2005 và cuối năm 2005 đã nuôi được xấp xỉ 8 tấn. Năm 2006, trang trại mở rộng và đã nuôi được khoảng 20 tấn, năm 2007 trang trại nuôi được khoảng 35-36 tấn. Năm 2009, trang trại khoảng 50 tấn. Cũng tương tự, trang trại Giang Ly năm 2006 nuôi được khoảng 6-8 tấn, năm 2007 sản lượng đã tăng lên khoảng 14-15 tấn và năm 2008 sản lượng nuôi đạt tới 22-25 tấn…

>> Nuôi cá nước lạnh hiện giờ phù hợp với người có khả năng đầu tư nhưng sau này nếu có sự trợ giúp, nhất là vốn vay, người nghèo có thể nuôi được…

Dương Nam Đàn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!