Các doanh nghiệp cá tra đang huy động vốn để đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Cụ thể, Công ty cổ phần Việt An thời gian qua đã chào bán 10.000.000 cổ phần để phát triển 2 vùng nuôi. Đến cuối tháng 5, số lượng vốn đã huy động từ đợt chào bán vào khoảng 54.600.000.000 đồng, tương đương 5.460.000 cổ phần.
Trong khi nông dân nuôi cá tra ngày càng đuối sức, các doanh nghiêp vẫn mở rộng vùng nuôi. Ảnh: TC.
Báo cáo với cổ đông, ông Lưu Bách Thảo, Tổng giám đốc công ty cho biết số tiền thu được từ đợt chào bán (dự kiến khoảng 100 tỉ đồng) dự kiến được sử dụng làm vốn lưu động cho chi phí con giống, chi phí nuôi, thức ăn, chi phí nhân công, điện nước… để phát triển 2 vùng nuôi. Cụ thể lượng vốn cần để đầu tư vùng nuôi là 73 tỉ đồng, vùng nuôi Bình Thạnh là 27 tỉ đồng.
Cuộc họp đại hội cổ đông thường niên công ty cổ phần Gò Đàng tổ chức cuối tháng 6 cũng đã thông qua kế hoạch phát triển các dự án năm 2013 gồm đầu tư thêm vùng nuôi cá nguyên liệu 30 héc ta để bổ sung cho nhà máy chế biến thủy sản công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày chuẩn bị đi vào hoạt động vào tháng 9 năm nay. Giá trị đầu tư khoảng 2 tỉ đồng/héc ta. Tổng giá trị đầu tư vùng nuôil à 60 tỉ đồng. Bên cạnh đó dự án đầu tư dây chuyền thứ 2 cho nhà máy phụ phẩm tại Bến Tre trị giá 30 tỉ đồng cũng được thông qua tại đại hội.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết tỷ lệ tự túc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra vào đạt hơn 70% và xu hướng ngày càng tăng. Ngược lại với xu hướng đó, số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ đang giảm mạnh, do người nuôi nhỏ lẻ đang ngày càng “đuối sức” với chi phí sản xuất trong khi giá bán cá tra không còn cao như trước đây.