Doanh nghiệp kẹt, người nuôi đuối sức

Chưa có đánh giá về bài viết

Doanh nghiệp thua lỗ phải đóng cửa nhà máy hoặc sản xuất cầm chừng; người nuôi cá tra tiếp tục lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Người nuôi vẫn lận đận

Thông tin cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu khan hiếm từ nay đến cuối năm, thậm chí đến hết quý 1 năm tới, được xem là tín hiệu kích thích người nuôi. Tuy nhiên, theo nhiều nhà chuyên môn, lúc này chưa nên ồ ạt nuôi trở lại.

Hiện nay, giá bán cá tra loại 1 (từ 800 gram đến dưới 1 kg/con) tại Đồng Tháp đang 22.000 – 23.000 đồng/kg, trong khi giá thành ngày càng cao, do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, người nuôi thua đậm.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Cá tra ở Thới An (Cần Thơ) nói: “Dịp này năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu lên đến 28.000 đồng/kg; năm nay, mấy ngày qua giá cá có tăng thêm 1.500 – 2.500 đồng/kg, nhưng cũng chỉ ở mức 22.000 – 23.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg”.

Người nuôi cá tra ĐBSCL đang lỗ nặng

Trái ngược giá cá tra nguyên liệu, giá thức ăn cá tra tăng vọt, từ 10.780 đồng/kg hồi tháng 5 lên trên 12.000 đồng/kg (loại 26%N) trong tháng 9. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Đại Thắng, thị xã Ngã Bảy  (tỉnh Hậu Giang) cho biết, chi phí thức ăn chiếm 80 – 85% tổng vốn nuôi cá tra. Nhưng từ đầu năm đến nay, thức ăn cho cá đã 3 lần tăng giá, tức khoảng 12.400 đồng/kg (loại 26%N) như hiện nay, tăng khoảng 1.200 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

 

Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết, Công ty cũng phải giảm công suất do nguồn cá nguyên liệu thiếu cá đạt kích cỡ chế biến xuất khẩu; ngưng cục bộ khoảng một tháng. Để níu chân 9.000 công nhân, Công ty vẫn duy trì khoảng 50% công suất thiết kế 1.000 tấn/ngày.

Theo VASEP, những tháng cuối năm 2012, nhà máy nào có khả năng nuôi cá thì duy trì chính sách trả 70% lương cơ bản để giữ công nhân, số khác phải ngưng hoạt động, người lao động nghỉ dài hạn. Nhà máy đói nguyên liệu ngay trong thời điểm thị trường xuất khẩu cá tra đang ấm dần lại, công nhân cũng rất cần việc làm, là một bất lợi lớn đối với ngành cá tra.

Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, năm 2012 toàn tỉnh có 41/251 hộ nuôi cá, với diện tích chưa đầy 9 ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Việt Long, chiếm tỷ lệ 5,13%. Trong tỉnh chỉ có 4 công ty chế biến cá tra xuất khẩu nhưng không trực tiếp thu mua cá nguyên liệu của dân tỉnh nhà.

Không chỉ nông dân đang giảm nuôi do thắt chặt tín dụng, doanh nghiệp cũng đang khó khăn. Phần lớn nguyên liệu chế biến xuất khẩu những tháng cuối năm nay do doanh nghiệp tự nuôi, nhưng một số doanh nghiệp đang thiếu vốn. Theo một số nhà chuyên môn, hiện tượng thiếu nguyên liệu khiến hàng loạt doanh nghiệp chế biến cá tra phải đóng cửa chỉ là cục bộ, do cá nguyên liệu của công ty chưa đạt “size”; trong khi đó, doanh nghiệp thiếu vốn mua cá của dân.

>> Hiện nay, một số thông tin nói rằng cá nguyên liệu sắp hết, nhưng cũng có thông tin cho biết cá vẫn còn; đánh giá tình hình hiện nay rất khó, cần phải khảo sát, phân tích kỹ hơn. Cá nguyên liệu hết, có thể có nhưng đó là cá do doanh nghiệp nuôi. Cá trong dân đang còn nhiều.

Lê Hoàng Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!