Doanh nghiệp lao đao trước “cơn ác mộng” cước vận tải biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, tính đến đầu tháng 6, cước tàu biển ở nhiều tuyến đã tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 3. Thậm chí, các hãng tàu còn báo giá cước theo tuần thay vì 1 tháng như trước đây. Thực tế này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có lĩnh vực thủy sản quan ngại tiến độ giao hàng cũng như thu hẹp biên lợi nhuận.

Giá cước tăng phi mã

Đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, giá cước tàu biển tăng cao đang gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung tàu thiếu hụt. Trước đây, các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến 1 tháng, nay chỉ báo giá theo tuần.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thống kê từ đầu tháng 6/2024, giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua.

Còn theo dữ liệu từ sàn giao dịch logistic quốc tế Phaata, giá cước tuyến TP Hồ Chí Minh đi Mỹ đang tăng mạnh. Trong khi, chỉ số container thế giới của Drewry (WCI) tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet trong tuần từ ngày 30/5 tới ngày 6/6 và tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ Thượng Hải đến Genoa, giá cước đã tăng 17% ở mức 6.664 USD/container 40 feet. Giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 6% lên 7.214 USD/container 40 feet.

Giá cước vận tải biển tăng chóng mặt từng ngày, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao đao. Ảnh: Báo Giao thông

Theo ngành vận tải biển và Sở giao dịch vận tải Thượng Hải của Trung Quốc vào ngày 7/6, chỉ số vận tải container Thượng Hải (SCFI), chỉ số vận tải hàng hóa hàng hải toàn cầu, ghi nhận 3.184,87 trong cùng ngày, tăng 4,6% so với tuần trước. Đây là mức cao nhất trong khoảng 1 năm 9 tháng, kể từ ngày 26/8/2022 (3154,26). Giá cước vận tải đường biển tăng vọt gần đây chủ yếu là do sự thúc đẩy mùa cao điểm của ngành vận tải biển sau cuộc khủng hoảng Biển Đỏ. Các chủ hàng đã đảm bảo các vụ đắm tàu trước mùa cao điểm thông thường của quý III, do nguồn cung tàu đắm không đủ do khoảng cách và thời gian bay tăng lên.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, giá cước tàu biển đi châu Âu tăng từ 1,5 – 2 lần so với trước đây. Cụ thể, 1 container 40 feet đi Ukraina trước đây giá 3.600 USD thì nay tăng lên hơn 8.000 USD. Doanh nghiệp đang thực hiện bán hàng theo phương thức FOB (bên mua phải lo cước) nhưng do giá cước tăng cao, nên khách không mua hàng, buộc Công ty phải hỗ trợ phí vận chuyển. Qua đàm phán, khách hàng chấp thuận để Công ty chi trả 1/3 tiền cước phí. Theo ông Dũng, với giá cước hiện tại, nếu mỗi tháng xuất khẩu 100 container hàng, Baseafood phải gánh thêm khoảng 2 tỷ đồng/tháng, dù đã được khách hàng chia sẻ 70%. Giá cước vận tải tăng mạnh, trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng khiến doanh nghiệp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm.

Nguyên nhân giá cước vận tải biển tăng phi mã như trên được đưa ra là do xung đột Biển Đỏ đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu. Các tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới từ Biển Đỏ đến vịnh Aden bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột địa chính trị ngày càng leo thang ở Trung Đông. Phần lớn các tàu hàng vẫn tránh di chuyển vào khu vực Biển Đỏ, với số lượt di chuyển hàng ngày giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây lại xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại Singapore dẫn đến lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng. 

Bên cạnh đó, Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8/2024, khiến các nhà xuất khẩu nước này đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn. Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Hiện, Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 slot trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH cảng Cửa Lò (Nghệ An) cho rằng, vận chuyển nội địa hoặc một số tuyến vùng Nam bán cầu thì cơ bản giá cả ổn định. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng Biển Đỏ, doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng sang Mỹ, châu Âu… sẽ bị ảnh hưởng. Vì tránh điểm nóng, đi đường dài hơn dẫn tới chi phí tăng, thiếu container. 

Tìm giải pháp ứng phó

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá); việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá theo quy định tại Nghị định số 146 của Chính phủ. Các đơn vị được giao theo dõi và báo cáo Cục khi có tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển, cũng như khi có bất thường về mất cân bằng vỏ container phục vụ hàng xuất, nhập khẩu. 

Theo các chuyên gia, trước mắt, để ứng phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động phương án đàm phán với các đối tác để giãn thời gian giao, nhận hàng; tính đến việc mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi chậm trễ trong việc giao, nhận hàng hóa.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, chuỗi cung ứng logistics có nhiều khâu từ cảng, xếp hàng, bốc dỡ; do đó, các doanh nghiệp cần cố gắng giảm chi phí ở các khâu khác. Ngoài ra, cần đàm phán với các hãng tàu nước ngoài đối với giá tăng thêm, tránh trường hợp hãng tàu lợi dụng để tăng giá cước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, không phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Âu; chủ động điều chỉnh, cân nhắc nhận đơn hàng theo hướng ưu tiên những đơn hàng của các thị trường gần, dễ giao nhận như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; hạn chế nhận hoặc tạm thời dừng các đơn hàng ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu, Trung Đông.

Vân Anh

Theo hiệp hội xuất khẩu cà phê, ca cao, thủy sản, việc cước tàu tăng quá nhanh sẽ khiến các doanh gặp khó trong thời gian tới. Cước hiện chỉ tăng một số tuyến, nhưng họ lo lắng sự cố này sẽ tạo thành hiệu ứng dây chuyền với các chuyến khác. Doanh nghiệp đang khó sẽ không thể gồng lỗ quá nhiều nếu cước vận tải tiếp tục tăng cao.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!